Tin tức kinh tế ngày 17/6: Xăng giảm xuống dưới 20.000 đồng/lít

18.06.2019

00:00/00:00

Giá xăng giảm xuống dưới 20.000 đồng/lít; Vải thiều Bắc Giang mang lại hơn 3.100 tỉ đồng; Viettel gia nhập thị trường gọi xe và giao hàng trực tuyến; Thủy sản gặp khó ở thị trường nội địa... là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 17/6.


Giá xăng giảm xuống dưới 20.000 đồng/lít từ 5h ngày 17/6. (Ảnh minh họa)

Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 17/6, giá bán lẻ xăng RON95-III giảm 1.085 đồng/lít trong khi xăng E5RON92 giảm 986 đồng/lít, đưa giá bán hai mặt hàng này xuống lần lượt 20.134 đồng/lít và 19.233 đồng/lít.

Cụ thể, với việc giảm 1.085 đồng/lít, xăng RON95-III có giá bán lẻ mới tối đa không cao hơn 20.134 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng E5RON92 cũng được điều chỉnh giảm 986 đồng/lít xuống còn 19.233 đồng/lít.

Theo quyết định của cơ quan quản lý, giá bán lẻ dầu diesel 0.05S giảm 737 đồng/lít, xuống còn không cao hơn 16.657 đồng/lít. Với mức giảm 614 đồng/lít, dầu hỏa có giá bán mới 15.611 đồng/lít trong khi dầu mazut 180CST 3.5S giảm 239 đồng/kg, xuống không cao hơn 15.115 đồng/kg.

Trong kỳ điều hành giá lần này, để bù đắp mức thâm hụt quỹ sâu của nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, cơ quan quản lý cũng quyết định yêu cầu các doanh nghiệp tăng mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 lên mức 300 đồng/lít. Mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng RON95 và các loại dầu tăng lên mức kỷ lục để bù quỹ với 900 đồng/lít, kg. Đồng thời doanh nghiệp không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu.


Vải thiều Bắc Giang mang lại hơn 3.100 tỉ đồng

Vải thiều Bắc Giang thu về hơn 3.100 tỉ đồng. (Ảnh: ANTĐ)

Tính tới thời điểm này, tổng giá trị thu từ vải thiều và các hoạt động dịch vụ phụ trợ ước đạt 4.050 tỉ đồng, trong đó thu từ vải thiều ước đạt 3.145 tỉ đồng, theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ là 78.640 tấn. Trong đó, vải sớm 37.550 tấn (đã tiêu thụ gần hết), vải chính vụ 41.090 tấn. Hoạt động dịch vụ phụ trợ mang lại doanh thu cho tỉnh là hoạt động kinh doanh đá cây, thùng xốp, tiêu dùng, công lao động, chuyển tiền ngân hàng, vận tải…

Tại thị trường nội địa, vải tươi được tiêu thụ số lượng lớn tại các tỉnh lân cận Bắc Giang, các thành phố lớn (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP HCM và các tỉnh phía Nam). Ngoài ra, quả vải cũng được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch và sang một số nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Úc…

Tính đến ngày 15/6/2019, có gần 400 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường Trung Quốc; tổng số điểm cân trên toàn tỉnh là trên 500 điểm, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam.

Viettel gia nhập thị trường gọi xe và giao hàng trực tuyến

Ứng dụng gọi xe và giao hàng trực tuyến MyGo dự kiến ra mắt từ 1/7

Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) vừa tung ứng dụng gọi xe và giao hàng trực tuyến MyGo. Theo ghi nhận tại Hà Nội, bản thử nghiệm của ứng dụng MyGo đang có các dịch vụ như gọi xe máy, ôtô, giao hàng và xe tải. Hiện ứng dụng này trong thời gian thử nghiệm và dự kiến ra mắt từ 1/7.

Viettel Post cũng đang tung những chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn so với những ông lớn hiện có trên thị trường để thu hút tài xế. Theo thông báo trên fanpage, đơn vị này tặng ngay 1 triệu đồng cho tài xế đăng ký, cam kết thu nhập hấp dẫn lên đến 95% mỗi cuốc xe, có cơ hội ký hợp đồng chính thức, miến phí 3G hoặc 4G khi dùng ứng dụng...

Viettel Post nhiều khả năng gia nhập thị trường gọi xe để tận dụng đội ngũ tài xế sẵn có, đa dạng hóa mảng kinh doanh giao nhận cốt lõi khi thị trường thời gian qua đã có thêm những cái tên giàu tiềm lực như Grab, Go Viet, Ahamove, Lalamove... Hiện Viettel Post là một trong các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực chuyển phát trong nước, quốc tế, logistic... với đội ngũ tài xế lớn và phủ sóng tại 63 tỉnh, thành phố.

Chỉ hơn một năm Uber rút lui, thị trường Việt Nam liên tục đón thêm các tân binh đầy tham vọng như Go Viet, Be... Để có được chỗ đứng trên thị trường, MyGo sẽ phải có nhiều đột phá trong dịch vụ, chính sách đãi ngộ để thu hút tài xế, khách hàng khi gia nhập muộn hơn.


Thủy sản gặp khó ở thị trường nội địa

Chế biến thủy sản xuát khẩu. (Ảnh:TTXVN)

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, 4 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng âm, đạt 2,43 tỷ USD (giảm 1,3% so với cùng kỳ 2018). Trong khi đó, việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản trong nước gần đây đang gặp vướng mắc bởi sự không đồng nhất về quy định 2 chỉ tiêu Enrofloxacin và Ciprofloxacin là chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản.

Cụ thể, theo VASEP, hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU) cho phép ngưỡng phát hiện mức dư lượng < 100ppb (đơn vị 1 phần tỷ) đối với 2 chất trên. Tuy nhiên các kênh bán lẻ tại thị trường nội địa thì không chấp nhận. Việc từ chối của các siêu thị xuất phát từ nguyên tắc chung trong quy định về an toàn thực phẩm là chất cấm không được phép tồn dư trong sản phẩm, trong phiếu xét nghiệm có kết quả "không phát hiện" trừ các trường hợp có quy định khác.

Do đó, VASEP vừa có văn bản gửi Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị xem xét ban hành quy định về ngưỡng giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRLs) đối với Enrofloxacin và Ciprofloxacin trong các sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa ngang bằng với ngưỡng MRLs áp dụng cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU để tháo gỡ khó khăn cho ngành.

Tín dụng bất động sản tăng 3,29% so với cuối năm 2018

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm kinh doanh và mua bất động sản để ở) tính đến cuối năm 2018 tăng trưởng 31,76%. 3 tháng đầu năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 3,29% so với cuối năm 2018.

Mức tăng này vẫn cao hơn mức tăng trưởng chung quý 1 của nền kinh tế, nên nhận định việc siết nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là không chính xác.

Ngân hàng Nhà nước định hướng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, nhưng định hướng tín dụng phục vụ nhu cầu thực của người dân. Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014 quy định liên quan tới tỷ lệ an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có dự thảo giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% đến năm 2022.

Quy định này áp dụng đối với khoản vay đầu tư vào tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, không chỉ áp dụng riêng cho lĩnh vực bất động sản, mức độ tác động của quy định trên tới thị trường bất động sản là không lớn.


Lâm Anh (t/h)

Nguồn: https://petrotimes.vn

Đầu trang