Tin Thị trường: Mọi sự chú ý đổ dồn vào cuộc họp OPEC+
06.12.2024
Giá dầu hôm nay tăng trước thềm cuộc họp OPEC+; Giá khí đốt thế giới tăng nhẹ trở lại...
Tính đến đầu giờ chiều nay 5/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 68,69 USD/thùng - tăng 0,22%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 72,41 USD/thùng - tăng 0,14%.
OPEC+ có khả năng sẽ gia hạn đợt cắt giảm sản lượng dầu mới nhất của họ thêm ít nhất 3 tháng kể từ tháng 1 trong cuộc họp trực tuyến dự kiến diễn ra vào hôm nay (5/11) nhằm bổ sung thêm hỗ trợ cho thị trường dầu mỏ.
Thị trường đang theo dõi chặt chẽ để xem liệu OPEC+ sẽ tập trung vào việc thúc đẩy giá bằng cách gia hạn cắt giảm sản lượng hay lựa chọn bảo vệ thị phần của mình trên thị trường dầu thô toàn cầu bằng cách nới lỏng các đợt cắt giảm đó. Quyết định của OPEC+ có thể thúc đẩy các phản ứng ngắn hạn, nhưng thị trường dầu mỏ có khả năng tăng vào cuối năm do kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông.
Tại Trung Đông, Hezbollah đã bị Israel làm suy yếu đáng kể về mặt quân sự, nhưng có thể sẽ cố gắng xây dựng lại kho dự trữ và lực lượng của mình và gây ra mối đe dọa lâu dài đối với Mỹ và các đồng minh khu vực của Mỹ. Ngày 3/12, phía Israel cho biết sẽ quay trở lại chiến tranh với Hezbollah nếu thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah sụp đổ.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động. Việc dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến vào tuần trước cũng đã phần nào hỗ trợ giá.
Giá khí đốt tăng nhẹ trở lại
Theo ghi nhận vào đầu giờ chiều 5/12 (giờ Việt Nam), giá khí đốt tự nhiên thế giới đảo chiều tăng nhẹ 0,3% lên mức 3.052 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí giao tháng 12/2024.
Giá khí đốt tự nhiên tương lai của Mỹ đã giảm xuống còn 3,08 USD/MMBtu vào ngày 3/12, mức thấp nhất trong hơn một tuần, sau khi tăng vọt 20% vào tháng 11. Giá khí đốt đã giảm trong bối cảnh dự báo thời tiết ấm hơn vào giữa tháng 12, sau một đợt lạnh ngắn đã thúc đẩy mức tăng trước đó.
Trong khi đó, sản lượng khí đốt của Mỹ đạt mức cao 101,5 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) vào tháng 11, nhưng thấp hơn mức đỉnh điểm của năm ngoái là 105,3 bcfd. Ngược lại, giá khí đốt tự nhiên tương lai của Châu Âu đã tăng lên 48,7 euro mỗi MWh, gần mức cao nhất trong một năm, vì thời tiết lạnh hơn được dự báo sẽ lan rộng khắp lục địa, làm tăng nhu cầu sưởi ấm.
Nhiệt độ ở Tây Âu sẽ giảm, gây thêm áp lực cho kho dự trữ khí đốt vốn đang cạn kiệt nhanh chóng, với các kho dự trữ chỉ đầy 85% so với 95% của một năm trước. Hơn nữa, ngày càng có nhiều lo ngại về rủi ro nguồn cung, bao gồm cả việc sắp hết hạn của một thỏa thuận trung chuyển khí đốt quan trọng giữa Nga và Ukraine.
Thực tế cho đến nay, xung đột Trung Đông vẫn chưa tác động đáng kể đến dòng chảy dầu khí toàn cầu, phản ánh sự yếu thế của khí đốt Đông Địa Trung Hải trên thị trường thế giới, ngay cả khi có thêm nhiều rủi ro trong lệnh ngừng bắn đang diễn ra giữa Israel và Hezbollah.
Doanh thu từ dầu mỏ của Nga giảm 21%
Doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm 21% vào tháng 11 so với cùng kỳ năm trước khi giá chuẩn quốc tế và giá dầu thô chủ lực của Nga, Urals, giảm trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu.
Theo ước tính của Bloomberg, vào tháng 11, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm so với cùng kỳ năm 2023 trong tháng thứ hai liên tiếp.
Nga đã dựa trên mức giá trung bình của loại dầu Urals là 64,72 USD/thùng để tính thuế và tính toán của mình cho tháng 11, giảm đáng kể so với mức 81,69 USD/thùng được sử dụng để tính thuế một năm trước.
Kết quả là, Điện Kremlin đã bỏ túi 5,8 tỷ USD (605,2 tỷ Ruble) từ các loại thuế liên quan đến dầu mỏ vào tháng trước, giảm 21% so với tháng 11 năm 2023.
Tổng doanh thu dầu khí của Nga cũng giảm vào tháng trước, gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 7,7 tỷ USD (801,7 tỷ Ruble), theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Bộ Tài chính Nga.
Tháng 10 cũng chứng kiến doanh thu của Nga sụt giảm. Giá dầu thấp hơn và trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu trong nước đã khiến doanh thu dầu mỏ của Nga giảm 29% trong tháng này.
Doanh thu từ dầu mỏ cũng bị ảnh hưởng bởi khoản trợ cấp của chính phủ trả cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Các công ty lọc dầu thô đã nhận được khoản thanh toán hỗ trợ vào tháng 10, một hình thức trợ cấp cho các nhà sản xuất để khuyến khích họ bán các sản phẩm dầu tinh chế của mình tại Nga thay vì xuất khẩu với giá cao hơn.
Giá dầu tiếp tục giảm là rủi ro bất lợi quan trọng đối với thị trường tài chính và nền kinh tế của Nga, theo đánh giá ổn định tài chính mới nhất được ngân hàng trung ương công bố tuần trước.