Tiềm năng và cơ hội tích hợp hydrogen "sạch" vào chế biến dầu khí của Petrovietnam
24.02.2023
Vừa qua, tại cuộc họp của Tiểu ban Hóa - Chế biến dầu khí, Ban Chiến lược Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã trình bày tham luận về tiềm năng và cơ hội tích hợp hydrogen sạch vào chế biến dầu khí của Petrovietnam. Đây là một trong những xu hướng năng lượng giúp đạt được kế hoạch phát thải khí ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26.
Tiềm năng sản xuất hydrogen tại Việt Nam
Theo báo cáo của Ban Chiến lược Petrovietnam, sự chuyển dịch năng lượng theo kịch bản Net Zero đến năm 2030 sẽ dựa vào các trụ cột chính là tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và điện khí hóa. Sau năm 2030, chuyển dịch năng lượng sẽ theo hướng năng lượng sinh học, hydrogen, nhiên liệu gốc hydrogen và thu hồi và lưu giữ carbon (CCUS). Trong đó, hydrogen đóng góp khoảng 10% trong việc giảm phát thải CO2 cùng với các công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, điện khí hóa, năng lượng sinh học và CCUS. Ước tính các công nghệ này sẽ giảm phát thải khoảng 36,9 tỷ tấn CO2 vào năm 2050. Theo đó, nhu cầu hydrogen đến năm 2050 dự báo sẽ có thể tăng 5-8 lần so với năm 2020, trong đó chủ yếu là hydrogen “xanh” (hydro được tạo ra từ điện phân nước).
Ông Đặng Thanh Tùng - đại diện Ban Chiến lược Petrovietnam trình bày tham luận về tiềm năng và cơ hội tích hợp hydrogen sạch vào chế biến dầu khí của Petrovietnam
Theo nhận định của Ban Chiến lược, nhu cầu hydrogen sẽ đạt khoảng 5-10 triệu tấn/năm, chiếm 1-2% tổng nhu cầu của thế giới. Các dạng hydrogen “sạch” có khả năng sản xuất tại Việt Nam sẽ bao gồm hydrogen lam (hydro được tạo ra từ hóa thạch, than đá… và hydro từ khí tự nhiên qua quá trình thu hồi và lưu giữ carbon tạo ra) và hydrogen xanh (tạo ra từ quá trình điện phân nước). Tuy nhiên, phương án sản xuất hydrogen “lam” từ than không phù hợp do chi phí cao, gây ô nhiễm và không phù hợp với xu hướng giảm phát thải khí nhà kính hiện nay.
Thị trường hydrogen “sạch” trong nước dự kiến sẽ bắt đầu hình thành từ năm 2030 và phát triển mạnh trong giai đoạn 2035-2050, phù hợp cam kết Net Zero của Việt Nam. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn khí thiên nhiên trong nước và sự phụ thuộc vào nguồn LPG (khí hóa lỏng) nhập khẩu và xu hướng giá ngày càng cao, việc phát triển hydrogen “lam” tại Việt Nam bị giới hạn. Nhưng với tiềm năng dồi dào về nguồn năng lượng tái tạo (NLTT - gồm điện gió và điện mặt trời), nước ta có thể phát triển hydrogen “xanh” với tiềm năng ước tính sản xuất được khoảng 53 - 57 triệu tấn/năm.
Việt Nam có thể sản xuất hydrogen “xanh” và có khả năng cạnh tranh cao so với phương án nhập khẩu và có thể xuất ngược lại sang các nước lân cận như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… sau năm 2030 (khi giá thành sản xuất dưới mức 3 USD/kg).
Cơ hội tích hợp hydrogen “sạch” vào lĩnh vực chế biến dầu khí của Petrovietnam
Trong lĩnh vực lọc hóa dầu, nguyên liệu hydrogen “sạch” là giải pháp khử carbon có nhiều lợi thế so với các giải pháp khác như lưu trữ hay sử dụng carbon. Đối với Petrovietnam - Tập đoàn có năng lực tài chính và có khả năng tiếp cận với các nguồn tài chính, các ưu đãi của Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch. Bên cạnh đó, Petrovietnam có các đơn vị với kinh nghiệm, nguồn nhân lực sẵn có trong việc sản xuất hydrogen “xám” như Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Nghi Sơn, nhà máy của PVFCCo và PVFCFC… để triển khai sản xuất hydrogen “sạch”. Việc này có thể giúp các đơn vị sử dụng hydrogen “lam” để khử carbon, giảm phát thải khí nhà kính và chế biến nguồn khí thiên nhiên có hàm lượng CO2 cao.
Tuy nhiên, Petrovietnam phải giải quyết được các khó khăn, thách thức như sản xuất hydrogen cần có chi phí đầu tư lớn, cần có chiến lược, lộ trình phát triển của quốc gia cũng như các chính sách hỗ trợ cụ thể. Bên cạnh đó, công nghệ và nguồn nhân lực còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý, kỹ thuật và sản xuất, vận chuyển, tồn trữ hydrogen. Cơ sở hạ tầng của công nghiệp khí và lưới điện truyền tải chưa xem xét, tính đến nhu cầu và cơ chế sử dụng chung cho phát triển hydrogen. Cuối cùng là nhận thức trong các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân còn chưa đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của năng lượng hydrogen và lợi ích của việc sản xuất nguồn nguyên liệu này.
NMLD Dung Quất cùng các đơn vị khác có tiềm năng về sản xuất hydrogen "sạch".
Trong tham luận của Ban Chiến lược Petrovietnam, định hướng phát triển của hydrogen “sạch” của Tập đoàn sẽ qua 3 giai đoạn. Từ năm 2023-2025 sẽ bắt đầu xây dựng lộ trình, chiến lược phát triển lĩnh vực hydrogen đến năm 2035, định hướng đến năm 2045; tập trung nghiên cứu, đánh giá tiềm năng chôn lấp CO2, NLTT và lựa chọn các điểm tiềm năng để đánh giá khả thi các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; nghiên cứu thị trường của thế giới, khu vực và đánh giá khả năng chuyển đổi của ngành dầu khí, xây dựng mô hình kinh doanh và các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nền công nghiệp hydrogen trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn từ năm 2025-2030 sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; tìm kiếm các nguồn tài chính để triền khai các dự án năng lượng sạch; tìm kiếm khách hàng có nhu cầu trong nước và khu vực để phát triển thị trường; cải hoán hạ tầng vận chuyển, xử lý, tồn trữ, phân phối khí. Từ năm 2030-2045, sản xuất thương mại hydrogen “sạch” sử dụng cho các NMLD, nhà máy đạm và phát triển các dự án sản xuất nhiên liệu, nguyên vật liệu và xuất khẩu hydrogen “sạch” cho các thị trường trong khu vực, thế giới…
Hydrogen “sạch” sẽ là nguồn năng lượng và nguyên liệu sạch đóng góp vai trò quan trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và là giải pháp trong chuyển dịch năng lượng, cắt giảm khí nhà kính để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Dự báo ngành công nghiệp hydro trong tương lai trong thị trường toàn cầu sẽ phát triển nhanh sau năm 2030. Petrovietnam có những điều kiện thuận lợi để sản xuất hydrogen “sạch”. Vì vậy, Petrovietnam cần sớm chủ động xây dựng chiến lược, lộ trình để phát triển lĩnh vực hydrogen.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/