Thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trong dài hạn
18.12.2020
Theo Reuters, các nhà phân tích năng lượng hàng đầu cho biết, việc suy giảm đầu tư vào thăm dò và khoan mới toàn cầu có thể khiến thế giới không đủ dầu mỏ trong vòng 20-30 năm tới bất chấp sự chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Triển vọng dài hạn trái ngược với tình hình hiện nay khi nhu cầu sụt giảm do cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến thị trường cung vượt cầu, buộc các nước sản xuất dầu trong liên minh OPEC+ phải hạn chế sản lượng.
Nhu cầu yếu đã gây áp lực lên các nhà sản xuất và các công ty dầu khí toàn cầu khi họ phải tìm cách chuyển hướng sang các nguồn năng lượng carbon thấp. Điều này đã cắt giảm ngân sách đầu tư của các công ty dầu khí vào các tài sản dầu khí mới nhằm đáp ứng nhu cầu dầu thô dự kiến tăng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
IEA cho biết, hiện chưa rõ liệu đầu tư đầy đủ vào các nguồn cung dầu thô có kịp thời hay không và nếu có thì nguồn đầu tư sẽ đến từ đâu. Theo IEA, không có gì đảm bảo chắc chắn nguồn cung dầu dài hạn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Rystad Energy cho biết trong báo cáo của mình rằng, thế giới sẽ cạn kiệt nguồn cung dầu thô vào năm 2050 trừ khi hoạt động thăm dò tăng mạnh. Hãng cho biết, thế giới cần khoản đầu tư 3.000 tỷ USD để khai thác 313 tỷ thùng dầu mới từ các mỏ kém phát triển hiện nay hoặc từ các mỏ mới chưa được khám phá. Phạm vi thăm dò sẽ phải mở rộng đáng kể trừ khi sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu đạt tốc độ nhanh hơn dự kiến.
Wood Mackenzie cho biết, những phát hiện dầu khí hiện nay cần đầu tư để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong tương lai. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ hiện tại vẫn đang ở mức thấp trong khi chi phí phát triển tài nguyên mới cao và những rủi ro liên quan đã ngăn cản các công ty dầu khí hành động. Chỉ khoảng 50% nguồn cung cần thiết được đảm bảo đến năm 2040. 50% còn lại đòi hỏi nguồn vốn mới đầu tư để phát triển.
Viễn Đông