Thách thức cân bằng thị trường dầu mỏ của OPEC

02.12.2020

00:00/00:00

Các quyết định sắp tới sẽ ảnh hưởng lớn đến quỹ đạo ngắn hạn của thị trường “vàng đen”, đồng thời là một chỉ dấu quan trọng đánh giá về sự gắn kết trong nội bộ các nước OPEC.


Nhà máy lọc dầu Abqaiq của Aramco tại Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vòng 4 tuần gần đây, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) và dầu Brent Biển Bắc đã ghi nhận mức tăng đáng kể và dao động quanh ngưỡng 45-48 USD/thùng, trong bối cảnh xuất hiện những tin tức tích cực về triển vọng hiệu quả của vắc-xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đây được coi là mức giá “vàng đen” cao nhất kể từ tháng 8/2020, sau khi dịch COVID-19 đã làm tổn hại nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Theo bài phân tích mới đây trên mạng tin Arab News, những thông tin đầy hy vọng này có lẽ sẽ khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh chủ chốt (còn gọi là nhóm OPEC+) phần nào cảm thấy vững tin hơn trong nỗ lực đối phó với tình trạng nguồn cung vượt quá nhu cầu trên thị trường năng lượng.

Tuy nhiên, thách thức thực sự đối với OPEC+ vẫn còn rất lớn, ít nhất là tới giữa năm 2021.
Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 4/2020, mức cắt giảm sản lượng hiện tại của OPEC+ là 7,7 triệu thùng/ngày và có thể giảm xuống mức 5,8 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021, song hầu hết các nhà quan sát đều dự đoán mức cắt giảm hiện tại sẽ được kéo dài thêm từ 3-6 tháng.

Các nhà sản xuất dầu chủ chốt thuộc OPEC+ đã có hàm ý rằng kế hoạch gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể được nhóm này xem xét, bất chấp những thông tin tích cực về việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 của một số hãng dược phẩm trên thế giới.

Trên thực tế, động thái cắt giảm sản lượng dầu mỏ đã khiến nhiều quốc gia thành viên OPEC+ phải “trả giá đắt” do phải chịu tác động kép của sản lượng hạ và giá dầu thấp hơn.

Các nhà giao dịch dầu mỏ trên thị trường năng lượng dù đã lạc quan hơn trên cơ sở hy vọng về vắc-xin ngừa COVID-19 trong thời gian tới, song nhu cầu thực tế, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và châu Âu, vẫn là một “ẩn số” lớn.

Không thể phủ nhận các thị trường dầu mỏ đang dần tái cân bằng. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát đợt COVID-19 thứ hai ở nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phải điều chỉnh lại dự báo nhu cầu tiêu thụ trong thời gian còn lại của năm 2020 và tới năm 2021.

Theo OPEC, nhu cầu của thế giới đối với dầu thô trong cả năm 2020 sẽ giảm 9,8 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 300.000 thùng/ngày so với dự báo hồi tháng 10 vừa qua. Tương tự, IEA nhận định nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới của năm 2020 chỉ ở mức hơn 91 triệu thùng/ngày, giảm 8,8 triệu thùng/ngày so với năm 2019.

Trong khi đó, Libya, quốc gia được miễn trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+, lại đang khởi động lại sản xuất và sẽ bổ sung thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày ra thị trường.

Tại Mỹ, ứng cử viên đang giành được lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Joe Biden cũng được cho là muốn xem xét tham gia lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện. Nếu điều này xảy ra, các lệnh trừng phạt với Iran có thể được nới lỏng, qua đó đưa nước Cộng hòa Hồi giáo trở lại thị trường dầu thô.

Về phần mình, Nga có truyền thống không thích cắt giảm nguồn cung dầu mỏ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh nhu cầu hiện tại, chính Tổng thống Nga Vladimir Putin lại đang ủng hộ kéo dài hơn mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày của OPEC+.

Đây là một hành động được Saudi Arabia ủng hộ, song đó là trước khi giá dầu ghi nhận những diễn biến tích cực thời gian gần đây.

Thật khó để buộc tất cả các nước thành viên OPEC+ cùng duy trì lập trường cắt giảm sản lượng và lôi kéo các bên tiếp tục nuốt một “viên thuốc đắng” khi thị trường dầu mỏ đang dần tái cân bằng.

Một số báo cáo gần đây cho thấy, đã xuất hiện những bất đồng giữa các thành viên OPEC+. Các quốc gia như Nigeria và Iraq, những nước đang phải đối mặt với các vấn đề trong nước, bắt đầu phàn nàn về cách tiếp cận “một chiều” của OPEC+.
Các thành viên khác như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thì được cho là muốn thảo luận về việc gia hạn cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày trong năm 2021, sau khi các quốc gia chưa tuân thủ hạn ngạch sản lượng phải bù đắp cho mức dư thừa trước đó của họ.

Các nguồn tin có liên quan tiết lộ, UAE đang âm thầm đánh giá lại tư cách thành viên của mình trong OPEC, dù giới chức UAE đã phủ nhận việc sẽ rút khỏi tổ chức dầu mỏ này.

Trong bối cảnh đó, các quyết sách của OPEC+ cần phải được thực hiện trên cơ sở đồng thuận cao, và điều này vô tình làm phức tạp thêm vấn đề.

Tầm quan trọng các cuộc thảo luận sắp tới của OPEC+ là không thể phủ nhận, khi nó sẽ đóng vai trò quyết định xem liệu có thêm 3 triệu thùng dầu/ngày (bao gồm 2 triệu thùng/ngày từ việc nới lỏng cắt giảm sản lượng của OPEC+ và 1 triệu thùng/ngày từ Libya) được bơm ra thị trường hay không?

Điều này có thể khiến các thị trường lại rơi vào tình trạng “quá tải” tại thời điểm này, bất chấp triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của châu Á.

Thị trường dầu mỏ chắc hẳn sẽ khó phục hồi nếu không có hành động quyết đoán của 23 quốc gia thành viên OPEC+ hồi tháng 4 năm nay. Vì vậy, các quyết định sắp tới OPEC+ sẽ ảnh hưởng lớn đến quỹ đạo ngắn hạn của thị trường “vàng đen”, đồng thời là một chỉ dấu quan trọng để đánh giá về sự gắn kết trong nội bộ OPEC+./.

https://bnews.vn/

Đầu trang