Tạo nguồn lực cho PVN tái cơ cấu, phát triển bền vững

01.10.2018

00:00/00:00

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang thực hiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn từ nay tới năm 2025, trong đó có những kiến nghị xuất phát từ thực tế cấp bách và cần thiết thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng đồng vốn Nhà nước của Tập đoàn. Đây là loạt kiến nghị phù hợp với hoạt động của ngành công nghiệp dầu khí nói chung và đối với PVN nói riêng.


Trong những năm qua, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, PVN đã không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…


Trụ sở chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.


Thực tế, PVN đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2013-2017, tổng số tiền PVN đã đóng thuế và nộp NSNN là gần 500 nghìn tỉ đồng. Mặc dù từ năm 2015 giá dầu sụt giảm mạnh nhưng PVN đã nỗ lực hoàn thành nộp NSNN theo kế hoạch đề ra (2015: 89.081 tỷ đồng, 2016: 72.846 tỷ đồng, 2017: 79.369 tỷ đồng).

Do đó, để đảm bảo nguồn vốn cho PVN thực hiện các mục tiêu chiến lược, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 41 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, trong đó cho phép để lại một phần lãi dầu của nước chủ nhà, cho phép để lại 100% phần thu từ cổ phần hóa và thoái vốn tại các công ty con thuộc PVN.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay các chính sách này chưa được triển khai đầy đủ, đồng bộ. Để tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững, gia tăng đồng vốn Nhà nước, tại Đề án cơ cấu lại Tập đoàn từ nay tới năm 2025, PVN đã có những kiến nghị nhằm thực hiện các cơ chế chính sách đã được Bộ Chính trị phê duyệt, bao gồm cả các kiến nghị chung cho các DNNN khi cổ phần hóa, thoái vốn...

Cụ thể, Nhà nước xem xét cơ chế phân bổ nguồn thu từ cổ phần hóa để lại cho doanh nghiệp thực hiện tái đầu tư. Trong đó đầu tư vào lĩnh vực còn khó khăn trong từng thời kỳ, cần vốn để vượt qua.

Thực chất đây là nguồn thu của tương lai, phát sinh tại một thời điểm là cổ phần hóa nên cần được xem xét, phân chia như sau: Để lại cho doanh nghiệp phần vốn tương ứng với mệnh giá cổ phần DNNN góp vì phần vốn này đã được giao trong vốn điều lệ của DNNN; Phần thặng dư còn lại thực chất có 30% quỹ đầu tư phát triển để đầu tư cho pháp triển của doanh nghiệp và các quỹ khác, như vậy Nhà nước cần để lại cho PVN và các DNNN tối thiểu 40% phần thặng dư từ cổ phần hóa sau khi trừ giá vốn.


Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.


Để doanh nghiệp phát triển bền vững và duy trì nguồn thu trong các năm tiếp theo, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, Đảng và Chính phủ cần nhanh chóng quyết định cơ chế, chính sách phù hợp. Đây sẽ là quyết sách quan trọng đảm bảo dòng tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước nói chung và PVN nói riêng được vận hành tốt hơn. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tạo đà phát triển cho PVN trong tương lai.

Nếu đề xuất về cơ chế chính sách nêu trên được chấp thuận sẽ giúp cho PVN có thêm các nguồn vốn để phục vụ các dự án lớn, trọng điểm, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của PVN và các đơn vị thành viên. Và tất nhiên khi đó PVN sẽ tiếp tục có các đóng góp tích cực hơn cho ngân sách Nhà nước cũng như tăng hiệu quả của vốn nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bùi Công
Nguồn: https://petrotimes.vn

Đầu trang