Tâm lý e ngại rủi ro đẩy giá dầu thế giới giảm 2% phiên 20/9

21.09.2021

00:00/00:00

Phiên 20/9, tâm lý lo sợ rủi ro của nhà đầu tư đã thúc đẩy đồng USD đi lên, khiến giá dầu trở nên đắt đó hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.


Tâm lý e ngại rủi ro đẩy giá dầu thế giới giảm 2% phiên 20/9. Ảnh minh họa: TTXVN

Phiên này, giá dầu Brent giảm 1,42 USD (tương đương 1,9%) xuống 73,92 USD/thùng sau khi đã có lúc chạm mức thấp nhất trong phiên là 73,52 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng để mất 1,68 USD (2,3%) và khép phiên ở mức 70,29 USD/thùng.

Đồng USD, được coi là một kênh trú ẩn an toàn, tăng lên mức cao của 4 tuần khi tương lai bấp bênh của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande khiến thị trường chứng khoán lo lắng.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng chuẩn bị tâm lý chờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến thêm một bước hướng tới thu hẹp chính sách kích thích kinh tế trong tuần này.
Nhà phân tích Nishant Bhushan của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết vì đồng USD thường là kênh “trú ẩn an toàn”, tỷ giá hối đoái của đồng bạc xanh so với các loại tiền tệ khác mạnh lên là dấu hiệu cho môi trường đang ngại rủi ro. Diễn biến đó sẽ ảnh hưởng đến giá hàng hóa, đặc biệt là dầu.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn có một số hỗ trợ từ các dấu hiệu cho thấy một phần sản lượng dầu của Mỹ ở Vịnh Mexico sẽ bị tạm dừng khai thác trong nhiều tháng, chủ yếu vì những thiệt hại do hai cơn bão gần đây gây ra.

Tính đến thứ Sáu tuần trước (17/9), 23% sản lượng dầu thô (tương đương 422.078 thùng/ngày) của các công ty năng lượng Mỹ tại khu vực trên đang bị gián đoạn.
Trong số đó, Royal Dutch Shell cho biết họ dự kiến một cơ sở của họ ở Vịnh Mexico sẽ không thể hoạt động cho đến cuối năm 2021, do hãng phải khắc phục những thiệt hại từ cơn bão Ida. Cơ sở này đóng vai trò là trạm trung chuyển toàn bộ sản lượng từ các khu khai thác của Shell trên hành lang Sao Hỏa thuộc khu vực Hẻm núi Mississippi đến các điểm tập kết dầu thô trên bờ.

Nhà phân tích Artem Abramov của Rystad Energy ước tính sản lượng bị mất sẽ làm giảm 200.000 đến 250.000 thùng dầu/ngày từ nguồn cung dầu ở Vịnh Mexico trong vài tháng. Khu vực này đóng góp khoảng 16% sản lượng dầu của Mỹ, tương đương 1,8 triệu thùng/ngày./.

https://bnews.vn/

Đầu trang