Sự thật về việc khan hiếm xăng dầu trên thị trường

27.05.2020

00:00/00:00

Trao đổi với Petrotimes về vấn đề này, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, với vai trò là thương nhân đầu mối lớn, có uy tín, thương hiệu, PVOIL luôn chú trọng giữ chữ tín với khách hàng và đảm bảo đầy đủ nguồn hàng cung cấp cho các cây xăng đại lý theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại là các đầu mối lại không thể chịu trách nhiệm về toàn bộ nguồn hàng nhập của những cây xăng đại lý vì các cây xăng này thường không nhập hàng từ một đầu mối mình đứng tên thương hiệu mà lại nhập hàng từ rất nhiều nguồn khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật, đã là đại lý của PVOIL hay một đầu mối nào khác thì đại lý đó chỉ được phép mua hàng từ đầu mối mà mình đứng tên thương hiệu. Nhưng trên thực tế các đại lý thường chỉ mua 50-70% từ đầu mối mà mình đứng tên, phần còn lại họ linh hoạt để xem nơi nào có giá tốt hơn sẽ nhập hàng. Hiện nay, khi giá xăng dầu có xu hướng tăng cao sau khi các biện pháp giãn cách xã hội do dịch Covid-19 được nới lỏng, lượng hàng mà bình thường đại lý nhập trôi nổi giờ không thể mua được vì các đơn vị cung cấp này găm hàng để chờ tăng giá, dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng ở các cây xăng đại lý.

“Mặc dù chúng tôi vẫn đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình nhưng một số đại lý vẫn không đủ hàng để bán. Bởi lẽ, vào thời điểm hiện nay, khi các đại lý không mua được hàng từ bên ngoài lại quay sang đề nghị đầu mối mà họ đứng tên phải tăng lượng bán nhiều hơn bình thường để bù đắp lượng thiếu hụt đó thì chúng tôi không thể đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến này vì việc nhập hàng của đầu mối đều đã có kế hoạch, theo nhu cầu của các cửa hàng, đại lý đăng ký với đầu mối”, ông Dương lý giải.


Các thương nhân đầu mối khẳng định vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn cung theo cam kết với các cây xăng đại lý

Thêm vào đó, việc không thể quản lý được tình trạng các cây xăng đại lý nhập hàng trôi nổi cũng là rủi ro cho uy tín các thương nhân đầu mối mà đại lý đứng tên thương hiệu. Bởi nếu có vấn đề gì về chất lượng hàng hóa ở các đại lý thì khách hàng sẽ nghĩ ngay đến uy tín, chất lượng hàng hóa của đầu mối mà đại lý đứng tên. Nhưng thực tế đầu mối lại không kiểm soát được việc nhập hàng của các đại lý, ông Dương chia sẻ.

Qua tìm hiểu, các thương nhân đầu mối trong đó có PVOIL đều cho rằng, họ sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về đảm bảo nguồn cung cũng như chất lượng xăng dầu bán ở các cây xăng đại lý nếu các cơ quan quản lý nhà nước có thể xử lý triệt để quy định đại lý của đầu mối nào thì chỉ được phép mua hàng từ đầu mối đó.


Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Về nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước, đại diện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty cồ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, trước nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang tăng cao, các khách hàng của BSR cũng tăng nhập hàng nên đơn vị này đang tăng công suất lên tối ưu để đẩy mạnh xuất bán các sản phẩm. Đồng thời, BSR cũng tìm cơ hội mua dầu thô với phụ phí thấp, chủ động triển khai các giải pháp sản xuất và giao hàng để cân đối tồn kho hợp lý nhằm tận dụng cơ hội thị trường.

Theo kế hoạch, quý II/2020, BSR sẽ sản xuất hơn 1,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Cùng với đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cũng sản xuất lượng xăng dầu tương đương trong quý II/2020. Tổng sản lượng hai nhà máy cao hơn quý I/2020 khoảng 200.000 tấn.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, BSR mua theo hợp đồng dài hạn trong nước và nhập khẩu khoảng 132.000 thùng/ngày, duy trì hoạt động nhà máy an toàn, hiệu quả.

Do đó, nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước vẫn đang duy trì ổn định, đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu thị trường.

Mai Phương
Nguồn:https://petrotimes.vn/

Đầu trang