Saudi Arabia điều chỉnh sản lượng dầu trong ngắn hạn, lo sợ nguồn cung thêm từ Mỹ

01.10.2018

00:00/00:00

Vinanet - Saudi Arabia sẽ lặng lẽ bổ sung thêm dầu vào thị trường trong vài tháng tới để bù cho sự sụt giảm sản lượng của Iran, nhưng lo lắng họ có thể cần hạn chế sản lượng trong năm tới để cân bằng cung cầu toàn cầu do Mỹ bơm thêm dầu thô.


Saudi Arabia, nhà sản xuất hàng đầu của OPEC, đã chịu áp lực mới trong tuần trước từ Tổng thống Donald Trump để giảm giá dầu trước cuộc họp tại Algeria giữa các Bộ trưởng OPEC và các đồng minh của họ gồm Nga.

Hai nguồn tin thân cận với OPEC cho biết Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác đã bàn luận khả năng OPEC và các đồng minh ngoài OPEC nâng sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày.

Nhưng Riyadh đã quyết định chống lại sự gia tăng chính thức hiện nay do họ nhận thấy sẽ không đảm bảo sự đồng ý từ tất cả các nhà sản xuất trong cuộc đàm phán, một số họ thiếu công suất dự phòng và sẽ không thể tăng sản lượng một cách nhanh chóng. Một động thái như vậy có thể gây bất ổn cho mối quan hệ giữa các nhà sản xuất, mà Saudi Arabia muốn duy trì sự thống nhất giữa liên minh OPEC+ trong trường hợp Riyadh muốn thay đổi đường hướng trong tương lai và tìm kiếm sự hợp tác về cắt giảm sản lượng.

Một nguồn tin cho biết “chỉ còn 2 tháng kết thúc năm nay, vì thế tại sao lại tạo ra căng thẳng hiện nay giữa Saudi Arabia, Iran và Nga”.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih cho biết ông lo ngại rằng sản lượng dầu tăng, chủ yếu từ Mỹ, có thể vượt sự gia tăng dự kiến trong nhu cầu dầu và kết quả dẫn tới tồn kho toàn cầu tăng lên.

Nguồn tin thứ hai cho biết “có nhiều mối đe dọa về nhu cầu hơn trong năm tới so với sự đe dọa nguồn cung”.

Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014 trên ngưỡng 80 USD/thùng trong tuần này do lo sợ sự sụt giảm sâu trong xuất khẩu dầu mỏ của Iran vì các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ làm tăng thiếu hụt dầu mỏ, cùng với sự sụt giảm sản lượng ở Venezuela.

Lo sợ dư thừa?

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của OPEC phát hành cuối tuần này dự báo rằng các đối thủ ngoài OPEC dẫn đầu là Mỹ sẽ tăng sản lượng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm 2019 trong khi nhu cầu toàn cầu sẽ tăng chỉ 1,5 triệu thùng/ngày. Điều đó cho thể tạo ra sự dư thửa dầu thô lớn trong năm tới, đặc biệt nếu đồng USD mạnh lên và các nền kinh tế mới nổi suy yếu làm giảm nhu cầu dầu mỏ.

Tuy nhiên, tình trạng không rõ ràng là Iran sẽ bị buộc giảm sản lượng bao nhiêu trong năm tới khi các khách hàng tại châu Âu và châu Á rời khỏi thị trường dầu mỏ Iran để đối phó với các lệnh cấm vận của Mỹ.

Các báo cáo của OPEC cho thấy nguồn cung của Iran đã giảm khoảng 300.000 thùng/ngày trong những tuần gần đây, mặc dù Iran khăng khăng họ vẫn ổn định ở mức 3,8 triệu thùng/ngày.

Một số nguồn tin cho biết vương quốc Saudi Arabia sẽ nâng sản lượng khoảng 200.000 - 300.000 thùng/ngày trong tháng 9 và tháng 10/2018 vượt mức 10,4 triệu thùng họ đã sản xuất trong tháng 8/2018, để đáp ứng như cầu của khách hàng, chủ yếu tại châu Á.

Công ty dầu nhà nước Saudi Aramco có kế hoạch bổ sung công suất sản xuất dầu thô mới khoảng 550.000 thùng/ngày trong quý 4/2018 từ các mỏ Khurais và Manifa, cho phép họ linh hoạt nâng sản lượng nếu cần thiết.

Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, là nhà sản xuất lớn duy nhất với công suất dự phòng đủ để nâng sản lượng nhanh chóng, cân bằng cung và cầu. Vương quốc này hành động hiệu quả như ngân hàng trung ương của thị trường dầu mỏ, suy nghĩ và hành động của họ với nguồn cung được các thương gia theo dõi chặt chẽ.

Hiện nay, Riyadh đang thu thập số liệu và chưa quyết định hướng hành động chính xác của họ trong năm tới. Nếu nguồn cung của Iran trở lại thắt chặt hơn so với dự kiến và giá tăng tiếp, sự gia tăng sản lượng chính thức từ OPEC và các đồng minh trong năm tới là có thể và sẽ được bàn tại cuộc họp tới vào ngày 6 - 7/12/2018.

Chính xác, khối lượng bổ sung và lịch trình cho bất kỳ sự gia tăng nào sẽ phụ thuộc vào sự tuân thủ theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay của các nhà sản xuất trong những tháng tới và triển vọng của thị trường trong năm 2019.

Nguồn: VITIC/Reuters

Đầu trang