Quản lý nhà nước về dầu khí cần phù hợp với tình hình mới
27.12.2021
Vừa qua, tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức, chuyên gia Đoàn Đoàn Văn Thuần - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đề xuất trong nội dung Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và thời gian để Petrovietnam có ý kiến tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò đại diện nước chủ nhà.
Ông Đoàn Đoàn Văn Thuần - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế, VPI trình bày tham luận tại Hội thảo
Chia sẻ về “Quản lý nhà nước về dầu khí tại một số quốc gia trên thế giới”, ông Đoàn Văn Thuần cho biêt, quản lý nhà nước về dầu khí trên thế giới được thực hiện theo 04 mô hình chính gồm: Mô hình Nhà nước (thông qua Luật Dầu khí) trao quyền cho công ty dầu khí quốc gia sở hữu về dầu khí; mô hình Công ty dầu khí quốc gia(NOC) đồng thời tham gia thực hiện vai trò quản lý nhà nước về dầu khí đồng thời đóng vai trò nhà đầu tư/điều hành hoạt động dầu khí; mô hình Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. NOC đóng vai trò độc lập, chỉ thực hiện chức năng của nhà đầu tư; và mô hình Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước thực thi chính sách và quản lý, giám sát chuyên môn/kỹ thuật đối với hoạt động dầu khí.
Theo ông Đoàn Văn Thuần, Dự thảo Luật Dầu khí về cơ bản đảm bảo quyền và trách nhiệm của nước chủ nhà, nhà đầu tư, tiệm cận với thông lệ dầu khí quốc tế. Đối với Chính phủ thực hiện quy trình phê duyệt gồm: Ban hành các chính sách, văn bản bản pháp luật về dầu khí; phân định, điều chỉnh các lô dầu khí; phê duyệt việc ký kết và nội dung hợp đồng dầu khí; gia hạn tìm kiếm thăm dò, thời hạn hợp đồng; Petrovietnam tham gia Hợp đồng dầu khí, tiếp nhận mỏ từ nhà thầu; dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ; báo cáo trữ lượng, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí (FDP)/FDP điều chỉnh (mức đầu tư tăng từ 10% trở lên), giữ lại diện tích phát hiện khí; phê duyệt chuyển nhượng, hợp nhất, chấm dứt trước thời hạn của hợp đồng dầu khí.
Đối với Cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Công Thương, Vụ Dầu khí và Than) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí; thực hiện quy trình cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; báo cáo kế hoạch phát triển mỏ đại cương (ODP); báo cáo kế hoạch khai thác sớm (EDP), EDP điều chỉnh (mức đầu tư tăng trên 10%); kế hoạch thu dọn công trình dầu khí; đốt bỏ khí đồng hành; chấm dứt hợp đồng (khi hết hiệu lực).
Đối với Công ty Dầu khí Quốc gia (Petrovietnam) quy định thực hiện quy trình ký kết hợp đồng dầu khí; thực hiện chương trình tìm kiếm thăm dò; kế hoạch công việc: thẩm lượng, xác lập diện tích phát triển, lịch trình khai thác; điều chỉnh báo cáo FDP hoặc báo cáo EDP, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí trong trường hợp mức đầu tư tăng < 10%; chương trình thăm dò bổ sung/tận thăm dò; và các vấn đề cụ thể trong hoạt động khai thác.
Thử vỉa tại giếng CT-6X, mỏ Cá Tầm, bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam. Ảnh Phan Ngọc Trung
Ông Đoàn Văn Thuần cho hay, so sánh Việt Nam và thế giới về cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí được trao quyền phê duyệt đối với các hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí tại các quốc gia trên thế giới cho thấy: Đối với Việt Nam: Việc kí kết hợp đồng dầu khí do Thủ tướng phê duyệt dự thảo hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC), Petrovietnam kí kết PSC; trong báo báo cáo đánh giá trữ lượng (RAR) thì Thủ tướng phê duyệt RAR; trong kê hoạch phát triển mỏ thì Bộ Công Thương phê duyệt ODP/EDP, Thủ tướng phê duyệt FDP/FDP điều chỉnh. Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới dù áp dụng mô hình quản lý nhà nước về dầu khí khác nhau song đa số quy trình phê duyệt liên quan đến hoạt động thăm dò khai thác dầu khí được thực hiện ở cấp độ của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí (thường là Bộ chủ quản thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí).
Bên cạnh đó, ông Đoàn Văn Thuần đã đưa ra một số khuyến nghị về quản lý nhà nước đối với Dự thảo Luật dầu khí (sửa đổi) đó là: Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt các nội dung liên quan có ảnh hưởng lớn đến quyền “sở hữu về tài nguyên dầu khí” và các trường hợp đặc biệt có ảnh hưởng đến lý do “quốc phòng, an ninh”. Bộ Công Thương, Petrovietnam phê duyệt các nội dung liên quan đến việc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng kí đầu tư và triển khai thực hiện theo hơp đồng dầu khí cho nên Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí (RAR), báo cáo phát triển mỏ (FDP)… thuộc quyền phê duyệt của Bộ Công Thương (thay vì Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như trong Dự thảo) (Điều 40; Khoản 3, Điều 41; Khoản 1, Điều 44; Khoản 1, Khoản 6 Điều 47).
Về vai trò đại diện nước chủ nhà của Petrovietnam “luật hóa” địa vị pháp lý của Petrovietnam là Công ty dầu khí quốc gia, đại diện cho nước chủ nhà trong trong việc ký kết và quản lý, giám sát việc triển khai hợp đồng dầu khí; bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục để Petrovietnam/Doanh nghiệp nhà nước tham gia với vai trò nhà đầu tư trong hợp đồng dầu khí; xem xét quy định về thời hạn (từ 60 đến 120 ngày) so với thời hạn của một số quốc gia khác trong khu vực (Indoneisa, Myanma…) và so với thời hạn phê duyệt báo cáo ODP của nhà thầu.
N.H
https://petrovietnam.petrotimes.vn/