PVOIL kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng xăng dầu

20.11.2019

00:00/00:00

Trao đổi về quy trình kiểm soát chất lượng xăng dầu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) Cao Hoài Dương cho biết, PVOIL có quy trình kiểm soát chất lượng cụ thể, rõ ràng, nghiêm ngặt và chặt chẽ. Với quy trình này, đến nay trong toàn hệ thống của PVOIL chưa tiếp nhận bất cứ khiếu nại nào của khách hàng liên quan đến chất lượng xăng dầu.

Bảo đảm chỉ tiêu chất lượng

- Là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn với hơn 600 cửa hàng xăng dầu trên khắp cả nước và đứng thứ 2 trong nước về thị phần, ông có thể chia sẻ về quy trình kiểm soát chất lượng xăng dầu của PVOIL để bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng?


- Để bảo đảm chất lượng xăng dầu đến tay người tiêu dùng, PVOIL có quy trình cụ thể, rõ ràng trong kiểm soát chất lượng xăng dầu ở tất cả các khâu từ nhập, tồn chứa, pha chế, xuất, vận chuyển từ kho đến kho và từ kho đến cửa hàng xăng dầu để bảo đảm chỉ tiêu chất lượng theo đúng các quy định hiện hành. Cụ thể, trước hết, PVOIL mua xăng dầu từ những nhà máy có uy tín về nguồn gốc, chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế. Về pha chế, đây là quy trình do chính PVOIL thực hiện nên chúng tôi rất chủ động kiểm soát được chất lượng. Sau khi đưa xăng dầu về kho, mỗi lần xuất nhập PVOIL đều lưu mẫu để kiểm tra, đối chứng nếu như sau này có sự cố thì có thể xem xét lại là sự cố đến từ đâu. Bước tiếp theo là vận chuyển, PVOIL có những quy định rất chặt chẽ đối với các doanh nghiệp vận chuyển, như xe bồn đều có niêm phong, gắn kiểm soát hành chính GPS. Tiếp đến là tại các cửa hàng, cây xăng đều có quy trình chặt chẽ khi nhập, khi bán hàng, đặc biệt là gắn trách nhiệm đối với từng cấp, từng khâu cho lãnh đạo công ty, đến cửa hàng trưởng, nhân viên. Đồng thời, PVOIL cũng có công tác hậu kiểm để tăng cường kiểm tra đột xuất ở các cây xăng, kho xăng, bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, cũng như bán hàng đúng quy trình.

Với tinh thần là nâng cao đạo đức trong kinh doanh, thượng tôn pháp luật, chúng tôi cho rằng thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như vậy mới có thể đưa đến những sản phẩm bảo đảm chất lượng, đúng số lượng đến tay người tiêu dùng.

- Ông cho biết thêm về việc kiểm soát xăng dầu tại các cửa hàng liên kết, nhượng quyền của PVOIL và PVOIL xử lý như thế nào đối với trường hợp các cửa hàng này vi phạm về chất lượng?

- Việc các cửa hàng nhượng quyền vi phạm về chất lượng là một thực tế rất nhức nhối, là một bài toán nan giải mà cho đến nay chúng tôi cũng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu. Về nguyên tắc, các cửa hàng nhượng quyền chỉ được phép mua xăng dầu của PVOIL và treo biển của PVOIL. Nếu thực hiện được như vậy, PVOIL có thể kiểm tra được chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu bán ra. Song thực tế hiện nay rất khác so với quy định, hiện các cửa hàng đại lý, nhượng quyền nhiều nhất họ chỉ mua 50 - 70% xăng dầu của PVOIL, còn lại là mua của các đại lý khác. Do đó, ràng buộc giữa PVOIL với các đại lý khách hàng chỉ là hợp đồng kinh tế, nên chế tài chỉ có thể là cắt hợp đồng nếu phát hiện các cửa hàng, đại lý nhượng quyền vi phạm về chất lượng.

Những giải pháp như vậy chưa thực sự đem lại tác dụng, bởi nếu không mua xăng dầu của PVOIL thì họ có thể đi mua của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác. Để bảo đảm chất lượng xăng dầu, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và trên hết cũng phải xuất phát từ cái tâm của nhà kinh doanh. Ngoài ra, để chống nạn “xăng bẩn”, PVOIL kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, hậu kiểm, có những chế tài nghiêm khắc, chặt chẽ đối với những doanh nghiệp vi phạm.


Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ

- Vậy đối với các cửa hàng giả thương hiệu PVOIL để kinh doanh thì sao, thưa ông?

- Trước hết, khi nghe nói có cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang giả thương hiệu của PVOIL thì rất vui, bởi như vậy có nghĩa là thương hiệu của mình đã được ghi nhận và đánh giá cao. Sau đó, chắc chắn PVOIL cũng phải có những biện pháp để bảo hộ thương hiệu của mình. Cụ thể, PVOIL sẽ đến kiểm tra và đề nghị gỡ biển hiệu giả, nếu vẫn không được buộc phải mời cơ quan chức năng làm việc, đồng thời tuyên truyền để người tiêu dùng biết được cây xăng đó không phải của PVOIL, nếu khách hàng vẫn mua thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những rủi ro phát sinh.

- Ông có thể cho biết thêm về công tác nhận diện thương hiệu, hình ảnh của PVOIL được thực hiện như thế nào trong thời gian qua để người tiêu dùng có thể biết và tìm mua ở những cửa hàng xăng dầu của PVOIL?

- Như chúng ta đã biết, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nhưng khi mua hàng, người tiêu dùng chỉ có thể mua bằng niềm tin bởi xăng dầu là không đếm được, không nhìn thấy được chất lượng. Đặc biệt, sau nhiều sự việc tiêu cực về “xăng bẩn” được đưa ra ánh sáng thì dần dần nhận thức của người dân thay đổi. Do đó, để có thể có được niềm tin của người tiêu dùng, thời gian qua, PVOIL đã có những đề án để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng tại cửa hàng xăng dầu trực thuộc nhằm nhận diện thương hiệu, bảo đảm các cửa hàng, các cây xăng của PVOIL trông khang trang, sạch sẽ. Điều này xuất phát từ quan điểm, một khách hàng đến với mình, muốn sử dụng dịch vụ của mình thì trước tiên phải đạt sự hấp dẫn về mặt hình thức, sau đó là đến nội dung. Cụ thể, hình thức để thu hút khách hàng, sau đó bằng dịch vụ chuyên nghiệp, quy trình làm việc nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm chất lượng để dần dần chiếm lĩnh lòng tin của khách hàng. Điều này như “mưa dầm thấm lâu” và với sự thông thái của mình, người tiêu dùng sẽ quyết định được mua sản phẩm của doanh nghiệp nào bảo đảm chất lượng.


Hiểu Lam thực hiện
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/

Đầu trang