Phát triển thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số

16.08.2021

00:00/00:00

Chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế lớn của toàn cầu. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghệ 4.0 và sự tái bùng phát của đại dịch COVID-19, nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực này. Theo dự báo của các chuyên gia, chuyển đổi số và thương mại điện tử (TMĐT) sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Phát triển thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số


Các lập trình viên làm việc tại Công ty CP Công nghệ Ligosoft, TP Thanh Hóa.


Tại Thanh Hóa, TMĐT được đánh giá có tốc độ phát triển khá nhanh chóng. Trong đó, các tiêu chuẩn trao đổi, thu thập dữ liệu được ứng dụng trong hầu hết các giao dịch TMĐT. Đã có 70% doanh nghiệp (DN) trên địa bàn sử dụng thư điện tử trong giao dịch và trao đổi thông tin; 50% DN có website riêng, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 35% DN tham gia website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; 10% DN ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý và kinh doanh. Các hình thức thanh toán điện tử cũng được các DN triển khai ứng dụng và cập nhật phổ biến.

Nắm bắt nhanh chóng xu hướng này, tại Thanh Hóa, một số DN trong lĩnh vực công nghệ số cũng đã nhạy bén tiên phong trong việc cập nhật, ứng dụng nhanh các phần TMĐT và khẳng định những ưu việt trong sản xuất, kinh doanh, nhất là chu trình nhập, xuất hàng hóa. Tại Công ty CP Xăng dầu dầu khí Thanh Hóa, từ năm 2018 đến nay, công ty đã đưa vào sử dụng PVOIL Easy - ứng dụng thanh toán mua bán xăng dầu không dùng tiền mặt, không dùng thẻ tín dụng. Sau gần 3 năm triển khai, hệ thống PVOIL Easy đã được hoàn thiện, tích hợp thêm nhiều tiện ích, nhanh hơn, thuận tiện hơn cho khách hàng. Với việc nghiên cứu và áp dụng PVOIL Easy, ứng dụng công nghệ đọc mã QR trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ khách hàng thanh toán tiền mua xăng dầu không dùng tiền mặt, không dùng thẻ tín dụng. Khách hàng chỉ cần ký hợp đồng với một đơn vị kinh doanh của PVOIL, sau đó có thể mua xăng dầu tại bất kỳ cửa hàng xăng dầu nào của PVOIL và các đối tác liên kết với PVOIL trong toàn quốc và chỉ phải thanh toán vào cuối kỳ cho đơn vị kinh doanh đã ký hợp đồng. Với giải pháp này, cả 3 yếu tố cốt lõi: chất lượng, số lượng hàng hóa, tiền hàng đều được quản lý chặt chẽ và hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương, cho biết: Xác định TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, phát triển thị trường, đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian qua, ngành công thương đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT, như: hỗ trợ DN xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm dịch vụ của DN, giúp DN tự triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình tiên tiến; cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá marketing hiệu quả trên website. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT nhằm trao đổi, quảng bá thương hiệu và sản phẩm của DN; hỗ trợ DN ứng dụng marketing trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường internet phù hợp với các DN Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Xác định tầm quan trọng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TMĐT thời gian tới, tại Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa cũng đã định hướng phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách... để tạo nguồn lực cũng như hệ sinh thái cho TMĐT tiếp tục phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ xây dựng nền tảng thông tin định danh cá nhân và kho dữ liệu số của người dân, DN kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, các hệ thống thông tin cung cấp các dịch vụ thiết yếu, như: điện, nước, môi trường đô thị, công chứng,... tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử của người dân, DN với cơ quan Nhà nước và các giao dịch điện tử khác; hoàn thiện nền tảng thanh toán trực tuyến, mở rộng đa dạng các đối tác thanh toán và triển khai nhân rộng cho các dịch vụ sự nghiệp công (học phí, viện phí, phí rác thải,...) và các giao dịch khác (TMĐT, đấu giá tài sản,...); thúc đẩy phát triển TMĐT và logistics trên phạm vi toàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng sàn giao dịch điện tử và phát triển hạ tầng nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ phát triển TMĐT. Đồng thời, phát triển hạ tầng bưu chính số trở thành một bộ phận trong hệ thống logistics về TMĐT; hỗ trợ bán sản phẩm, hàng hóa tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp nhằm phát triển làng nghề truyền thống và ngành nông nghiệp, để mỗi xã nông thôn mới thành một siêu thị nông sản trực tuyến.

https://www.xaluan.com/

Đầu trang