Phân tích và dự báo tác động địa chính trị và chiến lược của OPEC tới thị trường dầu khí trong tương lai
25.04.2024
Ngày càng có nhiều lo ngại về xung đột ở Trung Đông. OPEC+ đang kiểm soát chặt chẽ nguồn cung dầu khí. Và triển vọng tăng trưởng đang được cải thiện ở một số nền kinh tế toàn cầu quan trọng.
Phân tích và dự báo tác động địa chính trị và chiến lược của OPEC tới thị trường dầu khí trong tương lai
Hiện tại, thị trường dầu mỏ có đủ lý do để tin rằng những yếu tố này kết hợp lại có khả năng bù đắp nhiều hơn bất kỳ sự tăng trưởng nguồn cung nào mà thị trường đang chứng kiến ở các nhà khai thác dầu ngoài OPEC, tại thời điểm triển vọng tăng trưởng nhu cầu ở một số quốc gia tiêu thụ dầu chủ chốt, chẳng hạn như Trung Quốc, chỉ ở mức vừa phải.
Khi căng thẳng giữa Israel và Iran gia tăng, yếu tố địa chính trị đang chi phối thị trường dầu mỏ.
Sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây, xung đột quân sự giữa Iran và Israel có thể nhanh chóng lôi kéo các nhà khai thác dầu khí lớn trong khu vực, bao gồm cả các đối tác OPEC của Tehran – Ả Rập Saudi và UAE, những quốc gia trước đây đã phát hiện các nhà máy lọc dầu, đường ống và cảng của họ bị tấn công bởi Phiến quân Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn.
Trung Đông chiếm gần 40% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu. Iran cũng đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz nối Vịnh Ba Tư với Biển Ả Rập, nơi có khoảng 20 triệu thùng/ngày nhiên liệu thô, khí ngưng tụ và tinh chế đi qua đường biển, cùng với gần 11 bcfLNG/ngày.
Bất kỳ cuộc leo thang xung đột nào giữa Iran và Israel cũng có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng chảy thương mại qua eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất thế giới, với những tác động đặc biệt đáng kể đối với thị trường bảo hiểm hàng hải và vận tải tàu chở dầu toàn cầu.
Trong vài tháng qua, phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh bổ sung ở Biển Đỏ là 0,5%-1% giá trị thân tàu và máy móc của con tàu, thay đổi theo độ tuổi và kích cỡ, so với 0,0001% ở Vịnh Ba Tư, các nguồn tin cho biết.
Điểm sáng ở Iran
Căng thẳng leo thang mạnh mẽ giữa Israel và Iran đã khiến thị trường đặt câu hỏi liệu dòng chảy dầu thô Iran đến các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc có thể bị gián đoạn hay không. Hiện tại, các nhà phân tích đều cho rằng khối lượng dầu có thể sẽ được giữ nguyên trong tương lai gần.
Trong khi các nhà máy lọc dầu trên khắp châu Á bắt đầu nghĩ đến các giải pháp thay thế trong trường hợp leo thang căng thẳng, các nhà máy lọc dầu độc lập có trụ sở tại Sơn Đông của Trung Quốc không muốn từ bỏ việc mua dầu thô của Iran – một trong những nhiên liệu được ưa chuộng nhất của họ.
Nói về dòng chảy dầu từ Iran sang Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu độc lập ước tính đã nhập khẩu khoảng 4,81 triệu tấn hay 1,14 triệu thùng/ngày đối với dầu của Iran trong tháng 3, bao gồm dầu thô và dầu mazut, theo S&P Global Commodity Insights. Nhưng khối lượng nhập khẩu này thấp hơn mức được thấy vào tháng 10/2023 khi các nhà cung cấp Iran bắt đầu tăng giá trong khi thắt chặt xuất khẩu dầu.
Dầu mỏ của Iran, thường được coi là dầu thô gắn mác nguồn gốc từ Malaysia, là nguyên liệu chính cho các nhà máy lọc dầu độc lập. Theo ước tính của S&P Global, những lô hàng này thường chiếm khoảng 40%-50% nguyên liệu thô được nhập khẩu bởi các nhà máy lọc dầu độc lập ở Trung Quốc.
Trong trường hợp Washington áp đặt các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn, các nhà máy lọc dầu độc lập ở Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc mua những lô hàng này, có khả năng để lại chỗ cho nguồn cung thay thế.
Tồn kho dầu toàn cầu được dự kiến sẽ tăng đến hết tháng 5, nhưng điều này có thể không đủ để kiềm chế giá dầu trong bối cảnh những diễn biến địa chính trị đang diễn ra và chiến lược quản lý thị trường hỗ trợ từ OPEC+.
Do đó, S&P Global đã nâng dự báo giá năm 2024 cho dầu Brent thêm một đô la lên 85 USD/thùng và cho năm 2025 thêm 3 đô la lên 79 USD/thùng. Chừng nào OPEC+ còn hạn chế nguồn cung thì sẽ có hỗ trợ cơ bản cho giá dầu Brent trên 80 USD/thùng hoặc cao hơn trong thời gian còn lại của năm 2024.
Một yếu tố giảm giá sẽ là triển vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc, nhưng mức độ tác động của nó lên giá cả vẫn còn phải xem xét.
Sau khi chiếm gần một nửa mức tăng trưởng - chính xác là 47% - về nhu cầu dầu mỏ thế giới từ năm 2000 đến năm 2023, Trung Quốc đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chậm hơn. S&P Global dự báo điều đó sẽ không đột ngột bốc hơi, nhưng mức tăng nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại từ 1 triệu thùng/ngày vào năm 2023 xuống còn 387.000 thùng/ngày vào năm 2025. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giá dầu sẽthấp hơn.
Triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu cũng cho thấy một kịch bản khá tích cực.
S&P Global một lần nữa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô toàn cầu năm 2024 từ 2,5% lên 2,6%, chủ yếu do nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ và dự báo được cải thiện phần nào đối với Anh và Ấn Độ. Dự báo tăng trưởng của Mỹ đã được điều chỉnh tăng lên 2,5% vào năm 2024 từ mức 2,4% trước đó.
Bất chấp những bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu kéo dài, vẫn có những dấu hiệu cải thiện sau các biện pháp chính sách hỗ trợ ở một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu và các hàng hóa dầu khí lớn.
Phương trình cung cấp
Thị trường cũng sẽ theo dõi chặt chẽ sự tăng trưởng sản lượng dầu mạnh mẽ bên ngoài OPEC+.
Vào năm 2024, sản lượng khai thác dầu mỏ ngoài OPEC+ được dự báo sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày. Các nhà xuất khẩu mới ở Tây Phi - bao gồm Niger và Senegal - sẽ đóng góp vào tăng trưởng, cũng như Iran, quốc gia không tham gia chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+. Theo dữ liệu của S&P Global, mức tăng nguồn cung dầu mỏ bên ngoài OPEC+ dự báo sẽ vượt mức tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới là 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Ngược lại với nguồn cung ngày càng tăng bên ngoài OPEC+, sản lượng dầu thô trong OPEC+ dự báo sẽ thấp hơn vào năm 2024 so với năm 2023 và có thể giảm trở lại vào năm 2025.
Đối với thị trường, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu Nga cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ vì nó mang lại rủi ro tăng giá cho cả giá dầu và sản phẩm. Tình trạng tê liệt của các nhà máy lọc dầu vẫn ở mức cao với công suất 1 triệu thùng/ngày của nhà máy lọc dầu của Nga hiện đang ngừng hoạt động do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ Ukraine.
Mức độ thiệt hại và thời gian sửa chữa vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có vẻ như các cuộc tấn công sẽ tiếp tục và không thể loại trừ khả năng xảy ra gián đoạn nguồn cung. Khi sản lượng dầu thô của Nga giảm, xuất khẩu dầu diesel của nhà cung cấp lớn nhất ngoài OPEC này sẽ chậm lại.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/