Petrovietnam với trách nhiệm “Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc”

02.09.2021

00:00/00:00

Thế hệ những người dầu khí hôm nay tiếp tục “giữ lửa trong tim”, làm tròn trách nhiệm "Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc", cùng nhau vượt qua “giông bão”, xứng đáng là tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước...

Trưởng thành vượt bậc

Thực hiện sứ mệnh lịch sử theo ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 23/7/1959: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu”, ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 224 về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển toàn diện của ngành Dầu khí Việt Nam. Và ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam ngày nay) với nhiệm vụ xây dựng nền công nghiệp dầu khí từ thăm dò, khai thác đến chế biến dầu khí, mở rộng hợp tác quốc tế…


Bác Hồ thăm khu công nghiệp Dầu khí Bacu (Liên Xô cũ) năm 1959.

Năm 1986, năm mở đầu cho một thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng là năm ngành Dầu khí đánh dấu mốc son khi mỏ dầu Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam có những tấn dầu thô thương mại đầu tiên. Sự kiện này không chỉ có giá trị ghi danh Việt Nam vào bản đồ các nước khai thác, sản xuất dầu khí thế giới, quan trọng hơn, nó được xem như một “trụ đỡ” về tinh thần và cả vật chất đối với đất nước trong giai đoạn Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh bị bao vây cấm vận, khủng hoảng kinh tế - đời sống xã hội.

Từ những tấn dầu thô đầu tiên, vào năm 1987, Petrovietnam đã bán được 235. 700 tấn dầu với tổng giá trị hợp đồng 31 triệu USD. Những con số này cũng là sự khởi đầu cho suốt 36 năm qua, dòng ngoại tệ mà Petrovietnam sử dụng thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, thanh toán quốc tế… đã hỗ trợ đắc lực đối với hoạt động dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng như trở thành cấu trúc quan trọng cho thị trường tiền tệ nước nhà.

hành công nối tiếp thành công, cùng với những dấu mốc lịch sử, khó khăn thử thách luôn đón đợi nhưng thành quả Petrovietnam đạt được vẫn luôn là niềm tự hào của đất nước. Trong giai đoạn 2006-2015, ngoài các thành công quan trọng Petrovietnam đạt được trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, hàng năm Petrovietnam đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18-25% GDP cả nước.

Đặc biệt, Petrovietnam đã thực hiện thành công và đưa vào vận hành 3 cụm dự án/dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí, đó là: Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; Cụm Khí - Điện - Đạm Đông Nam Bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Các cụm dự án/dự án này đang hoạt động hết sức hiệu quả không những về mặt kinh tế, có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế, đời sống xã hội nói chung của đất nước và phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương nơi dự án/công trình dầu khí trú đóng.

Ngay cả trong giai đoạn khó khăn, thách thức nhất của ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và với Petrovietnam nói riêng kể từ năm 2014, khi giá dầu ở mức thấp kéo dài, Tập đoàn và các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn này, hàng năm, nộp ngân sách Nhà nước của Petrovietnam tiếp tục chiếm tỷ trọng 9-11%, chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Cùng với đó, Petrovietnam đã đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm từ 10-13%.


Petrovietnam đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1995

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và niềm tin của nhân dân, ngành Dầu khí Việt Nam mà trọng tâm là Petrovietnam đã không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác đến vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Petrovietnam đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đi đầu trong mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Ngành Dầu khí đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động có trình độ chuyên môn vững vàng, được đào tạo cơ bản, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế đất nước

Giai đoạn 2015-2020, ngành Dầu khí đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh thị trường dầu khi thế giới có nhiều biến động, tình hình Biển Đông phức tạp, cạnh tranh thương mại, biến đổi khí hậu, đặc biệt là “khủng hoảng kép” do giá dầu giảm sâu và dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của Tập đoàn. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, của Chính phủ, sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm vượt khó của người lao động Dầu khí, Petrovietnam tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cụ thể, trong 5 năm qua, Tập đoàn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch khai thác dầu khí hằng năm Chính phủ giao (kể cả giao bổ sung tăng thêm như năm 2017): Tổng sản lượng khai thác dầu khí ước đạt 150,3 triệu tấn quy dầu, vượt 0,2% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí còn góp phần quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Hạ tầng ngành công nghiệp khí dần được hoàn thiện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hệ thống các đường ống dẫn khí được vận hành an toàn, cung cấp khí ổn định cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và tiêu dùng dân sinh. Nguồn khí được cung cấp để: sản xuất điện chiếm 31-33% sản lượng điện toàn quốc; sản xuất đạm trên 1,6 triệu tấn/năm, chiếm 70-75% nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, Tập đoàn triển khai việc nhập khẩu và phân phối khí LPG và CNG cho hộ công nghiệp và các hộ tiêu thụ dân sinh trong cả nước. Áp dụng các chính sách thúc đẩy sử dụng khí, đa dạng hóa hình thức đầu tư xây dựng nhà máy điện khí, khuyến khích nghiên cứu sử dụng các công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường...

Các dự án trong lĩnh vực chế biến dầu khí được tập trung triển khai; sản xuất xăng dầu ước đạt 52,74 triệu tấn, vượt 1,4% chỉ tiêu; Sản xuất đạm ước đạt 9,72 triệu tấn, vượt 23% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, đáp ứng 70-75% nhu cầu đạm trên thị trường và bước đầu đã xuất khẩu. Các nhà máy đạm, lọc - hóa dầu được vận hành an toàn, công tác bảo trì, sửa chữa thường xuyên, định kỳ được tuân thủ đúng yêu cầu của nhà chế tạo và theo kế hoạch.

Trong lĩnh vực điện, Tập đoàn tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa đối với các dự án điện đã hoàn thành, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Sản xuất điện ước đạt 128,84 tỷ kWh, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, chiếm khoảng 10-12% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đầu nhiệm kỳ, lĩnh vực dịch vụ dầu khí của Tập đoàn gặp nhiều khó khăn do giá dịch vụ và khối lượng công việc suy giảm theo diễn biến của giá dầu; các nhà thầu dầu khí dừng/giãn, cắt giảm khối lượng công việc và giá dịch vụ, công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt…

Hai năm 2018-2019, giá dầu phục hồi đã giúp lĩnh vực dịch vụ dầu khí có chuyển biến tương đối thuận lợi, doanh thu dịch vụ dầu khí 5 năm 2016-2020 đạt 895 nghìn tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực dịch vụ 5 năm đạt 55,1 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng dịch vụ 9%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Hầu hết các đơn vị dịch vụ có đủ năng lực để thực hiện các yêu cầu dịch vụ dầu khí chất lượng cao, tham gia thực hiện công trình quốc phòng trên biển.

Tập đoàn đã tích cực tham gia phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ; tăng cường các giải pháp gia tăng dự trữ về dầu thô và sản phẩm xăng dầu để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Từ nỗ lực trong sản xuất - kinh doanh, kết quả tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 3.514,6 nghìn tỷ đồng, vượt 6,5% chỉ tiêu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt 244,4 nghìn tỷ đồng, vượt 6,3% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Vượt "giông bão", khẳng định bản lĩnh những người tìm lửa

Năm 2021, Petrovietnam tiếp tục phải đối phó với cuộc "khủng hoảng kép" do tác động của dịch Covid-19 và giá dầu suy giảm từ các năm trước. Những tác động vô cùng lớn, trực tiếp của đại dịch đến mọi mặt hoạt động của Tập đoàn, trong đó đầu tiên, hiện hữu nhất là vấn đề thị trường, khi toàn bộ các nhóm sản phẩm, hàng hóa của Tập đoàn như: dầu thô, xăng, dầu, khí, điện, đạm… đều đang bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn cầu thị trường suy yếu mạnh. Sự xuất hiện của biến chủng mới Delta đang gây ra những mối nguy hiểm, phức tạp mới, kể cả những nước đã tiêm chủng vắc-xin với số lượng lớn.


Tuy nhiên, bằng sự chủ động, linh hoạt trong cách ứng phó, Tập đoàn vẫn có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. 7 tháng đầu năm, Petrovietnam nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả gói giải pháp ứng phó với "khủng hoảng kép", vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất với tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 347.800 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch 7 tháng và bằng 71% kế hoạch năm, tăng 25% so với cùng kỳ 2020. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 50.900 tỷ đồng, vượt 38% kế hoạch 7 tháng và bằng 82% kế hoạch năm, tăng 32% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 27.100 tỷ đồng, vượt 286% kế hoạch 7 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020. Tập đoàn cũng nỗ lực thực hiện tiết giảm chi phí, với tổng giá trị đạt 1.911,5 tỷ đồng, bằng 70,1% kế hoạch năm 2021. Đặc biệt, có 9 đơn vị đã hoàn thành xuất sắc lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm, bao gồm: Công ty mẹ - Petrovietnam, BSR, Rusvietpetro, PVPower, PVFCCo, PVCFC, PVTrans, PVEP và PVOIL.

Rõ ràng, trong bối cảnh đại dịch gây khó khăn chung cho cả nền kinh tế thế giới, thị trường dầu khí quốc tế cũng như khó khăn của kinh tế trong nước, những kết quả trên là rất đáng ghi nhận. Và chắc chắn, nếu không có sự chủ động, linh hoạt trong việc đề ra và triển khai các nhóm giải pháp như trên, Petrovietnam khó có thể trụ vững và có được kết quả như vậy, đặc biệt là khi Tập đoàn vừa trải qua một cơn đại "khủng hoảng" giá dầu kéo dài từ giữa năm 2015 đến cuối 2018.

Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong thời gian tới, Petrovietnam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là nỗ lực đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm phòng vắc-xin cho người lao động, bởi đây là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để có thể khống chế dịch bệnh, đảm bảo thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều đó được Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng khẳng định: “Trong lúc khó khăn này, phải càng thực hiện tốt hơn Văn hóa Petrovietnam với phương châm: Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả. Các đơn vị phải đoàn kết hơn nữa, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và rất cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật lao động, sáng tạo, để cùng vượt qua khó khăn, hướng tới hiệu quả chung cho hoạt động của Tập đoàn”.

Tin rằng, bằng nghị lực, bản lĩnh của “những người đi tìm lửa” trong suốt chặng đường 60 năm qua, thế hệ những người dầu khí hôm nay tiếp tục “giữ lửa trong tim”, làm tròn trách nhiệm "Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc", cùng nhau vượt qua “giông bão”, xứng đáng là tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.

M.C

Đầu trang