Petrovietnam hướng tới là tập đoàn năng lượng hàng đầu, giữ vai trò đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế
01.12.2021
Định hướng phát triển trong xu hướng chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam là xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước, giữ vai trò đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền quốc gia; có tiềm lực tài chính, trình độ khoa học công nghệ và năng lực quản trị ngang tầm khu vực.
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Công Thương, Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021”.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo), Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tham gia đồng hành cùng chương trình.
Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; đại diện GWEC, Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Việt Nam (USAID), Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam (VWEC); đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng cùng các đại biểu là chuyên gia, nhà đầu tư quan tâm đễn lĩnh vực công nghiệp năng lượng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, năng lượng là ngành kinh tế kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Trong những năm qua ngành năng lượng đã phát triển mạnh mẽ trong tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng.
Mặc dù vậy, với nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày một gia tăng, tốc độ trung bình hàng năm tăng tới 10,5%, những năm gần đây nước ta đã phải nhập khẩu 1-2% tổng công suất của toàn hệ thống điện. Dự báo trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, việc phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng Việt Nam, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết được bài toán thiếu hụt năng lượng, giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho hay, các nghiên cứu đánh giá tiềm năng về năng lượng tái tạo tại Việt Nam cho thấy: Tiềm năng điện gió trên bờ là 217GW, điện gió ngoài khơi khoảng 160GW, điện mặt trời khoảng là 386GW công suất khả thi có hiệu quả cao, điện sinh khối khoảng 5GW, nguồn rác thải khoảng 1,5GW, nguồn địa nhiệt 460MW. Thời gian qua, Chính phủ và Nhà nước đã ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết và cơ chế chính sách khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nhờ vậy, tính đến hết tháng 9/2021 năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, không kể thủy điện) đã đạt 22,68 tỷ kWh, chiếm đến 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 nhằm phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng với mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới.
Các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn
Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghệ xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam. Đồng thời trao đổi, chia sẻ về cơ chế chính sách, các chương trình khoa học về năng lượng, các công nghệ mới, cũng như xu hướng công nghệ mới đến từ đại diện các nước trên thế giới và những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu như: Chuyển dịch năng lượng và xu hướng phát triển công nghệ năng lượng sạch giai đoạn 2021-2030; Tổng quan công nghệ trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp điện mặt trời; Tình hình phát triển các Dự án năng lượng tái tạo tại BCG Energy, một số khó khăn và thách thức; Nhà máy điện từ sóng biển tại Đảo Lý Sơn, nguồn năng lượng tái tạo quan trọng tại Việt Nam trong tương lai; Năng lượng tái tạo và công nghệ xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Định hướng công nghệ mới của Petrovietnam trong xu hướng chuyển dịch năng lượng; và sự chuyển đổi lớn trên thế giới, bài học kinh nghiệm hướng phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chia sẻ tại diễn đàn
Tại diễn đàn, chia sẻ về vai trò, vị trí của năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, dự thảo quy hoạch điện VIII đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Một số quan điểm lớn trong Quy hoạch Điện VIII là giảm điện than; khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống. Trong đó, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Đây là nguồn năng lượng có tiềm năng nhưng trong thời gian qua chưa được phát triển. Ông Hoàng Tiến Dũng cũng cho rằng, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp rất quan trọng để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo (Petrovietnam) trình bày tham luận tại diễn đàn
Tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo (Petrovietnam) chia sẻ về định hướng công nghệ mới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong xu hướng chuyển dịch năng lượng. Theo đó, lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị dầu khí từ khai thác, vận chuyển, tàng trữ, phân phối và sử dụng các sản phẩm dầu và khí, hoạt động trải dài từ ngoài khơi đến đất liền. Petrovietnam góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, do đó xu hướng chuyển dịch năng lượng quốc gia sẽ tác động lớn đến chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam và ngược lại.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Petrovietnam không nằm ngoài xu thế đó. Cũng như các tập đoàn dầu khí trên thế giới, xu hướng chuyển dịch năng lượng đem lại cả những cơ hội và thách thức, tác động đến những hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam. Hiện nay, Petrovietnam đang xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trong tình hình mới, để báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho hay, định hướng phát triển trong xu hướng chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam là xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước, giữ vai trò đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền quốc gia; có tiềm lực tài chính, trình độ khoa học công nghệ và năng lực quản trị ngang tầm khu vực.
Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò khai thác nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí; tìm kiếm nguồn năng lượng khác có sẵn. Trong lĩnh vực công nghiệp khí: Cung cấp ổn định khí cho các hộ tiêu thụ, trở thành nguồn nhiên liệu chính cho các nhà máy nhiệt điện (dần thay thế các nhà máy điện than); tăng cường hạ tầng cơ sở để phát triển LNG, hydrogen. Trong lĩnh vực công nghiệp điện: Tập trung phát triển các nhà máy điện bằng nguyên liệu sạch (khí, hydrogen...); phát triển năng lượng tái tạo theo hướng ưu tiên điện gió ngoài khơi; nghiên cứu các giải pháp xanh hóa các nhà máy điện. Trong lĩnh vực chế biến sản phẩm dầu khí: Chế biến dầu và khí theo hướng kéo dài chuỗi chế biến sâu, tăng tỷ lệ hóa dầu; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong dịch vụ dầu khí cần nâng cao năng lực, đáp ứng các dự án năng lượng mới.
Về định hướng công nghệ mới của Petrovietnam, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, với loại hình năng lượng khí tự nhiên - LNG: Petrovietnam sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc hình thành và phát triển thị trường khí tự nhiên trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Đồng thời, tiếp tục đầu tư hạ tầng nhập khẩu LNG quy mô lớn, tận dụng cơ sở hạ tầng khí hiện có để cung cấp nguồn khí tái hóa cho các trung tâm nhiệt điện khí trên toàn quốc.
Với điện gió ngoài khơi, tính đến nay, Petrovietnam đã thực hiện rất nhiều các dự án từ trên bờ ra ngoài khơi, hàng loạt các công trình, dự án ngoài khơi lớn mang tầm cỡ khu vực, được các khách hàng lớn trong và ngoài nước đánh giá cao. Dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi có rất nhiều điểm tương đồng, đều là các dự án có kết cấu bằng thép được thi công chế tạo hoàn thiện trên bờ và lắp đặt ngoài khơi.
Với bề dày kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực và hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong lĩnh vực khai thác dầu khí ngoài khơi, việc Petrovietnam tham gia vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi sẽ đem lại lợi ích to lớn, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của các đơn vị trong nước, tránh lãng phí chi phí đầu tư, có thể xuất khẩu dịch vụ ra thị trường quốc tế, góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Với chuỗi giá trị hydrogen, Petrovietnam có lợi thế lớn trong việc tạo ra chuỗi giá trị hydrogen từ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng. Petrovietnam hiện có kinh nghiệm trong việc sản xuất hydro xám tại các nhà máy lọc hóa dầu (BSR, NSRP) và nhà máy đạm (PVFCCo, PVCFC). Trong vận chuyển, phân phối, tồn trữ hydro: Petrovietnam sở hữu cơ sở hạ tầng sẵn có (kho chứa, đường ống...) và kinh nghiệm vận hành hệ thống khí tự nhiên có thể được chuyển đổi để ứng dụng cho lĩnh vực hydro Về sử dụng hydro: Các nhà máy lọc hóa dầu, sản xuất phân đạm của Petrovietnam có thể sử dụng hydro “xanh” để thay thế một phần H2 truyền thống và chế biến nhiên liệu tổng hợp từ các nguồn khí thiên nhiên có hàm lượng CO2 cao.
Toàn cảnh diễn đàn
Phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, diễn đàn đã giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và doanh nghiệp nhìn nhận tổng quan về thực trạng các hoạt động liên quan đến ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định, việc chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam từ việc sản xuất, sử dụng trong thời gian tới là tất yếu; việc đa dạng hóa các nguồn cũng như việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng cần phải làm ngay đó là cần xây dựng chính sách mới tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn năng lượng trong tương lai; làm sao thay đổi được tư duy từ cấp lãnh đạo đến người dân, xã hội; cần làm chủ chuyển giao các công nghệ mới, phù hợp, than thiện với môi trường, công nghệ xanh để giúp Việt Nam phát triển bền vững; đồng thời cần phải quan tâm đến việc giáo dục, hướng dẫn để hiểu rõ tầm quan trọng việc sản xuất, tiêu dùng có hiệu quả, sử dụng thông minh nhất nguồn năng lượng.
Tại diễn đàn, những đề xuất, kiến nghị sẽ được Bộ KH&CN tổng hợp, cùng với các bộ, ban ngành khác nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp nhằm phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nguyễn Hoan