OPEC+ chìm sâu vào khủng hoảng, vài ngày tới đóng vai trò then chốt
06.07.2021
OPEC+ đang chìm sâu vào khủng hoảng khi cuộc chiến ngày càng tồi tệ giữa Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngăn liên minh dầu mỏ tăng nguồn cung ra thị trường.
Arab Saudi, UAE gạt phăng đàm phán
Sau nhiều ngày họp hành căng thẳng, OPEC+ đã gạt phăng cuộc đàm phán hôm 5/7. Sự bất đồng đã cản trở một thỏa thuận có thể giúp OPEC+ gia tăng sản lượng và nhanh chóng biến thành một cuộc tranh cãi công khai bất thường giữa Arab Saudi và UAE.
Trọng tâm của tranh chấp hiện nay chính là mức cơ sở. Mỗi nước thành viên đo lường mức tăng hoặc giảm sản lượng từ mức cơ sở này. Mức cơ sở càng cao, các nước càng được phép bơm thêm nhiều dầu thô hơn.
UAE cho rằng con số hiện tại (khoảng 3,2 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2020) là quá thấp và yêu cầu nâng lên 3,8 triệu thùng/ngày khi thỏa thuận chung của OPEC+ được gia hạn vào năm 2022.
Lần cuối cùng Arab Saudi và UAE xung đột về chính sách dầu mỏ là vào tháng 12 năm ngoái, khi Abu Dhabi để ngỏ ý tưởng rời khỏi OPEC+.
Cuộc tranh chấp trước kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, nhưng sự đổ vỡ trong đàm phán lần này nghiêm trọng đến mức liên minh OPEC+ không thể thống nhất ngày cho cuộc họp tiếp theo.
Hệ quả ngay lập tức của cuộc tranh chấp mới là OPEC+ không thể tăng sản lượng vào tháng 8 năm ngay. Điều này sẽ khiến thị trường thiếu hàng triệu thùng dầu ngay khi nền kinh tế toàn cầu vực dậy từ đại dịch. Phản ứng với diễn biến đó, giá dầu thô đã bật tăng lên trên mức 77 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn hai năm, theo ghi nhận của Bloomberg.
OPEC+ chìm sâu vào khủng hoảng, vài ngày tới đóng vai trò then chốt - Ảnh 2.
(Ảnh minh họa: Reuters).
Ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích hàng hóa tại UBS Group, cho biết: "Trong bối cảnh thị trường đang bị thiếu dầu thô và tăng trưởng nguồn cung không bắt kịp nhu cầu, cuộc khủng hoảng của OPEC+ có thể khiến giá dầu tăng cao hơn".
Trong trung hạn, cuộc đối đầu giữa Arab Saudi và UAE có thể gây ra tác động ngược. Nếu liên minh này không thể thống nhất thỏa thuận, các nước thành viên có thể tự do bơm dầu theo ý muốn, từ đó kéo giá dầu xuống mức thấp hơn. Dù vậy, ông Staunovo cho biết khả năng này xảy ra là rất thấp.
Áp lực từ người tiêu dùng
Bloomberg đưa tin, những người tiêu dùng lớn đã chú ý đến thế bế tắc của OPEC+. Trong vòng vài giờ trước, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thúc giục liên minh dầu mỏ cùng hành động.
Phát ngôn viên cho biết Nhà Trắng đang "theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán của OPEC+ và tác động của chúng đối với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu". Quan chức Mỹ đang làm việc cùng các nước thành viên OPEC+ để thúc đẩy một giải pháp chung.
Ở điểm này, người Mỹ có thể tìm thấy đồng minh bên trong OPEC+.
Liên minh dầu mỏ đã tăng một phần sản lượng sau thỏa thuận cắt giảm nguồn cung hồi năm ngoái. 23 nước thành viên đã nhất trí bơm thêm 2 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay. Câu hỏi trước cuộc họp lần này là liệu họ có nên tiếp tục tăng sản lượng trong các tháng cuối năm.
Dữ liệu riêng của OPEC cho thấy, lượng dầu thô tồn kho đang giảm trở về mức trung bình, khi mà mức tiêu thụ nhiên liệu trên toàn thế giới phục hồi. Tuần trước, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết nhu cầu trong nửa cuối năm sẽ cao hơn 5 triệu thùng/ngày so với 6 tháng đầu năm.
Nga là một trong các nước chủ trương tăng sản lượng. Các công ty dầu mỏ của Nga đang muốn bơm thêm dầu, trong khi giá xăng trong nước tăng cao là một vấn đề đáng chú ý trước thềm cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9.
Nếu Moscow không thể tăng nguồn cung như mong muốn, đó sẽ là một bước thụt lùi hiếm hoi đối với Phó Thủ tướng Alexander Novak, một trong những "kiến trúc sư" của OPEC+.
Kể từ khi OPEC+ hủy bỏ cuộc đàm phán hôm 5/7, ông Novak chưa đưa ra bình luận công khai nào. Song, Bloomberg cho rằng vị phó thủ tướng này đang nỗ lực phía sau hậu trường để tìm ra một giải pháp tiềm năng.
Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar hy vọng OPEC+ sẽ tổ chức họp vào "một ngày cụ thể" trong vòng 10 ngày tới. Ông mong muốn các thành viên sẽ tôn trọng hạn ngạch sản lượng hiện có và gợi ý rằng tác động của thế bế tắc lên giá dầu chỉ là tạm thời.
Hiện tại, sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa khi mà áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Hơn nữa, khả năng kiểm soát thị trường dầu mỏ của liên minh OPEC+ cũng đang rất bấp bênh.
Từ các công ty khai thác dầu mỏ quốc tế đến những ông lớn dầu khí Trung Đông, thị trường sẽ theo dõi sát sao diễn biến trong vài ngày tới, khi Riyadh và Abu Dhabi công bố mức giá và đàm phán khối lượng dầu thô sẽ xuất khẩu trong tháng 8. Rõ ràng, thị trường đang lo sợ căng thẳng giữa hai nước có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iraq nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn một cuộc chiến giá dầu xảy. Hơn nữa, chúng tôi cũng không mong giá dầu sẽ tăng vượt ngưỡng hiện nay".
https://vietnambiz.vn