Những yếu tố tác động lên thị trường "vàng đen" trong thời gian tới

23.11.2020

00:00/00:00

Trong bối cảnh ngành năng lượng tái tạo đang dần mở rộng trên thế giới, liệu giá dầu có thể giảm xuống mức nào cũng như khi nào "vàng đen" có thể phục hồi lên mức trước khủng hoảng?

Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark của Iran. Ảnh: AFP/ TTXVN

Dự báo bi quan về nhu cầu tiêu thụ

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục giảm vào năm 2021.

Trong thời điểm hiện tại, theo Argus Consulting, mức tiêu thụ trên thế giới là 92,3 triệu thùng/ngày, thì theo dự báo của IEA, năm nay con số này sẽ giảm xuống còn 91,3 triệu thùng/ngày.

Dự báo đã được sửa đổi trong bối cảnh diễn ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và các biện pháp hạn chế mới được đưa ra sau đó. Đồng thời, xu hướng tiêu cực vẫn đang tồn tại, bất chấp các thử nghiệm vắc-xin thành công.

Mark Goykhman, chuyên gia kinh tế chính tại trung tâm thông tin và phân tích TeleTrade, cho biết: "Tình hình có thể được cải thiện nhờ sự xuất hiện của vắc-xin từ các tập đoàn dược phẩm lớn như Pfizer và BioNtech. Kết quả sơ bộ khả quan của giai đoạn thử nghiệm thứ ba sẽ xoa dịu tình trạng tiêu cực".

Tuy nhiên, không nên hy vọng vào hiệu quả nhanh chóng. Không thể biết chính xác khi nào vắc-xin sẽ giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Do đó, trong năm tới, chỉ có thể kỳ vọng nhu cầu toàn cầu sẽ phục hồi một phần, lên 97,1 triệu thùng/ngày, theo dự báo của IEA, hay 96,3 triệu thùng/ngày theo dự báo của OPEC.

Các con số này thấp hơn mức trước khủng hoảng lần lượt là 3 triệu thùng và 4 triệu thùng/ngày. Đồng thời, tình trạng dư cung dầu có thể xuất hiện trên thị trường, do trong tháng này Libya đã nối lại hoạt động sản xuất.

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Oleg Cherednichenko, Phó Giáo sư Khoa Lý thuyết Kinh tế của Trường Đại học kinh tế Nga mang tên G.V. Plekhanov cũng đồng ý rằng vắc-xin không có khả năng thay đổi nhiều tình hình: "Thái độ của người dân trong xã hội đối với những phát triển y tế này vẫn còn rất cảnh giác. Và chưa chắc trong năm 2021 chúng ta sẽ chứng kiến việc tiêm chủng hàng loạt trên quy mô toàn cầu".

Chính sách của Mỹ sau bầu cử

Liệu chính sách kinh tế của Mỹ có thay đổi nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng? Nếu Chính quyền Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận đối với Iran thì lượng dầu trên thị trường sẽ còn nhiều hơn.


Cơ sở khai thác dầu thô. Ảnh: Benzinga/TTXVN

Ông Oleg Cherednichenko tin tưởng: "Trong bối cảnh nhu cầu giảm, điều này sẽ hạn chế tiềm năng tăng trưởng của giá dầu. Mức giá tối đa trong năm tới là 45-50 USD/thùng".

Mặt khác, ước tính sẽ có thêm 2.000 tỷ USD đổ vào thị trường Mỹ, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang lại tác động tích cực cho thị trường dầu mỏ, chuyên gia Mark Goykhman cho biết. Ông dự báo giá dầu thô Brent sẽ dao động trong khoảng 36-44 USD/thùng, và nếu người dân được tiêm chủng hàng loạt, "vàng đen" có thể chạm ngưỡng 50 USD/thùng.

Theo ông Cherednichenko, khả năng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kết thúc cũng sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi. Đồng thời, biến động trên thị trường dầu mỏ sẽ vẫn được duy trì trong bối cảnh đại dịch. Do vậy, không loại trừ sẽ có những biến động mạnh về giá.

Xu hướng tái định hướng sang năng lượng xanh


Theo báo cáo của IEA, trong khi dầu đang mất giá, năng lượng tái tạo đang tăng trưởng ổn định. Cụ thể, năm 2020, công suất thiết bị của các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng 4% và sẽ đạt mức kỷ lục 200 GW. Trung Quốc đóng vai trò không nhỏ trong việc này.

Ông Grigory Vershinin, đối tác quản lý của Lavnik Investments, lưu ý: "Vào cuối tháng 10, Hiệp hội các chuyên gia ô tô của Trung Quốc đã thông báo rằng họ có ý định cấm bán ô tô với động cơ đốt trong dùng xăng hoặc diesel từ năm 2035".

Nhưng mặc dù có triển vọng tốt, song các nguồn tái tạo chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu toàn cầu. Theo chuyên gia kinh tế Mark Goikhman, năng lượng xanh sẽ mở rộng chủ yếu ở các nước phát triển, trong khi ở các nước đang phát triển, nhu cầu về dầu sẽ tăng lên.

Nguồn tin cho hay Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba trên thế giới. Trong 10 năm qua, nhu cầu tại thị trường này đã tăng hơn 60% và tiếp tục tăng. Tình hình ở các nước châu Á khác cũng diễn ra tương tự./.

https://bnews.vn/

Đầu trang