Những yếu tố tác động đến thị trường dầu thế giới năm 2020
25.12.2019
Cơn ác mộng lớn nhất của thị trường dầu mỏ đã trở thành sự thật vào năm 2019, khi một cuộc tấn công đã làm giảm 50% sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia – quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
OPEC+ và số phận của thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy một tuần, giá dầu đã quay về mức cũ, một phần do việc khắc phục các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia diễn ra nhanh hơn dự kiến, nhưng một phần khác là vì các thương nhân nói rằng nỗi lo thiếu dầu không thể kéo dài trong kỷ nguyên dầu đá phiến của Mỹ.
Và các thương nhân đã có lý. Giá dầu thô hồi đầu năm 2019 được ghi nhận ở mức gần 60 USD/thùng và có thể sẽ tiếp tục kết thúc năm ở mức giá đó. Tuy nhiên, năm 2020 có thể sẽ là một năm không bình thường khác của thị trường dầu mỏ. Theo tờ Fanancial Times của Anh, có 5 yếu tố cần theo dõi trên thị trường dầu mỏ năm 2020.
* Triển vọng cạnh tranh trên thị trường năng lượng
Triển vọng dầu đá phiến của Mỹ có thể sẽ là yếu tố lớn nhất quyết định diễn biến thị trường dầu mỏ trong năm 2020. Lĩnh vực này đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, gây áp lực lớn lên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) khi nguồn cung tăng nhanh hơn nhu cầu.
Mặc dù vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của dầu đá phiến sẽ chậm lại, thậm chí là suy giảm, trong năm 2020. Các công ty độc lập nhỏ (thống trị lĩnh vực này) đang gặp khó khăn trong việc huy động tài chính và cố gắng tạo ra dòng tiền tự do ổn định.
Một số nhà phân tích dự báo dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng trưởng trong nửa đầu năm tới, nhưng sau đó không tăng hoặc giảm, dẫn đến khả năng sản lượng không thay đổi đáng kể từ tháng Một đến tháng Mười Hai.
Công ty nghiên cứu Rystad Energy tính toán rằng đầu tư vào dầu đá phiến trong năm nay đã giảm 6% xuống còn 129 tỷ USD và dự báo sẽ giảm thêm 11% trong năm 2020 - mặc dù sản lượng dự kiến sẽ tăng nhẹ. Trong khi đó, ông Chris Midgley đến từ S&P Global Platts cho biết: “Hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ đang chậm lại khi các công ty khai thác tập trung vào kỷ luật vốn”.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là năm 2020 được cho là sẽ chứng kiến một “làn sóng” dầu thô mới bơm vào thị trường. Một loạt các dự án khai thác mới tại Na Uy, Brazil và Mỹ sẽ khiến thị trường “vàng đen” một lần nữa đứng trước nguy cơ nguồn cung vượt xa nhu cầu.
Chia sẻ quan điểm này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính tăng trưởng nguồn cung dầu mỏ ngoài OPEC có thể lên đến 2,3 triệu thùng/ngày vào năm tới, so với mức 1,8 triệu thùng/ngày của năm 2019 với lý do sản lượng từ Mỹ, Brazil, Na Uy và Guyana tăng mạnh.
Theo hãng phân tích thị trường Wood Mackenzie, sản lượng dầu thô từ mỏ Johan Sverdrup của Na Uy đã bắt đầu đưa vào khai thác sớm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu vào tháng 10/2020 và có thể sản xuất tới 660.000 thùng/ngày trong giai đoạn cao điểm. Ngoài ra, các mỏ dầu mới của Brazil sẽ khiến sản lượng dự kiến của nước này tăng tới 24% lên 3,2 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
* Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại
Yếu tố khó lường đối với dầu mỏ là sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu dầu mỏ đã gặp khó khăn trong năm 2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa phá hủy sự phát triển kinh tế kéo dài hàng thập kỷ.
Mặc dù trong thời gian qua nhu cầu dầu vẫn tăng và thậm chí lần đầu tiên mức trung bình đạt gần 100 triệu thùng mỗi ngày, song các nhà phân tích vẫn dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ rơi xuống dưới ngưỡng 1% lần đầu tiên kể từ khi giá dầu sụp đổ năm 2014.
Trong khi đó, nhu cầu dầu cũng không được hỗ trợ bởi đà suy giảm kinh tế Ấn Độ, quốc gia chỉ đứng sau Trung Quốc trong việc thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng dầu. Stephen Brennock, một nhà phân tích tại PVM Oil Associates, cho biết: “Bức tranh nhu cầu dầu trong năm tới và ở một mức độ lớn là triển vọng giá dầu sẽ xoay quanh sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.
* Những cam kết của OPEC+
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới nhất của OPEC và đối tác (còn gọi là nhóm OPEC+) nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là cắt giảm nguồn cung và kéo giá “vàng đen” tăng lên thông qua việc thuyết phục các thành viên tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ cắt giảm của mình.
Tuy nhiên, giới phân tích thị trường năng lượng nhận định rằng sự bình ổn trên thị trường dầu mỏ có thể chỉ duy trì tạm thời, hay nói cách khác “triển vọng sáng” của thị trường dầu thô không thể khỏa lấp viễn cảnh u ám trong giai đoạn nửa sau năm 2020.
Theo thỏa thuận, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày, nâng tổng sản lượng cắt giảm của liên minh này từ 1,2 triệu thùng/ngày lên 1,7 triệu thùng/ngày. Tuyên bố của OPEC+ khẳng định việc điều chỉnh sản lượng sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020 và được thực hiện đầy đủ dựa trên nghĩa vụ của tất cả các quốc gia.
Như vậy, quyết định cuối cùng của OPEC+ đã vượt sự mong đợi ban đầu của bản thân Riyadh và thị trường “vàng đen”. Đối với các thị trường dầu mỏ, thỏa thuận mới chắc chắn sẽ là một đòn bẩy thúc đẩy tâm lý giới đầu tư trong ngắn hạn và giúp ngăn chặn nguy cơ lấp đầy các kho dự trữ mới trong giai đoạn quý I/2020. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra trong dài hạn?
Trên thực tế, triển vọng thị trường “vàng đen” vẫn chưa vượt qua được những thách thức lâu dài. Không nhiều người tin rằng các quốc gia như Iraq, Nigeria hay thậm chí là Nga sẽ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng một cách triệt để.
Các nhà phân tích năng lượng tại Redburn Ltd. cho biết, mức cắt giảm bổ sung được đề xuất trên thực tế không làm thay đổi nhiều cán cân năng lực sản xuất vì rất nhiều thành viên OPEC vẫn thực hiện những cam kết của mình thấp hơn ngưỡng thực tế.
Do đó, điều quan trọng nhất mà thị trường dầu mỏ sẽ phải tìm lời giải đáp là dự đoán lượng dầu thô từ các nước ngoài OPEC sẽ được bơm ra thị trường bao nhiêu vào năm 2020, và làm thế nào kéo giá dầu lên trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” toàn cầu đang thấp hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn tồn tại những khoảng “thời gian trễ” nhất định khi việc cắt giảm sản lượng hiện tại của OPEC+ sẽ được xem xét lại vào cuối tháng 3/2020. Câu hỏi đặt ra là Saudi Arabia - quốc gia giữ vai trò dẫn dắt OPEC - có thể gánh vác gánh nặng cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong bao lâu.
Trong năm qua, OPEC + đã tương đối thành công trong việc hỗ trợ giá dầu ở mức gần 60 USD/ thùng, nhưng không mấy người hy vọng rằng họ có thể đẩy giá lên cao hơn nữa.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích của OPEC dự báo rằng năm tới thị trường sẽ tương đối cân bằng, ít nhất là nếu họ duy trì việc cắt giảm sản lượng - và ngụ ý rằng cán cân cung và cầu trong nửa cuối năm 2020 sẽ chặt chẽ hơn so với nửa đầu năm, đặc biệt là nếu hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Mỹ chậm lại.
* Yếu tố chính trị Mỹ
Đối với thị trường dầu mỏ, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 thực sự chỉ liên quan đến một người là ông Donald Trump. Vị Tổng thống này đã lấy giá dầu thấp hơn làm một phần quan trọng trong chính sách kinh tế của mình đối với các cử tri, và trong quá khứ, ông đã không ngần ngại dùng 140 ký tự để công kích OPEC. Ông cho rằng tổ chức này, đặc biệt là các đồng minh thân cận với Saudi Arabia, đang để giá dầu quá cao.
Một số nhà phân tích thậm chí tin rằng điều này góp phần dẫn đến quyết định trong tháng này của Saudi Arabia nhằm thúc đẩy cắt giảm sản lượng, bởi vì nước này có thể thấy rằng việc cắt giảm sản lượng trong năm bầu cử Mỹ có thể sẽ khó khăn hơn.
Riyadh nhìn chung được cho là hy vọng ông Trump sẽ tiếp tục nắm quyền, một phần vì sức ép mà ông Trump gây ra đối với Iran. Vì thế, chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ là một trong yếu tố tác động đến giá dầu trong năm 2020.
* Các chính sách bảo vệ môi trường
Đây là năm mà các nhà đầu tư, ít nhất là ở các nước phát triển, bắt đầu nghiêm túc về biến đổi khí hậu. Đối với các nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Âu, điều này đang thúc đẩy họ cố gắng tìm kiếm các ngành nghề kinh doanh sạch hơn và suy nghĩ kỹ về tương lai.
Điều đáng lo ngại là các ngân hàng có thể bắt đầu đối xử các nhà sản xuất dầu như những người khai thác than để hạn chế quyền tiếp cận vốn.
Với việc giá cổ phiếu của các công ty sản xuất dầu bị ảnh hưởng, mặc dù trả cổ tức cao hơn, những kỳ vọng đang tăng lên rằng 6 công ty thuộc nhóm “Big Oil” có thể phải tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng. Trong khi đó, những kỳ vọng rằng xu hướng môi trường sẽ có động lực hơn nữa đang gây áp lực lên toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ./.
Đình Thư (TTXVN tại London)
Nguồn:https://bnews.vn/