Những hiệu quả thiết thực
10.12.2019
Trong năm qua đã có khoảng 8.000 lượt tin, bài tích cực về ngành Dầu khí được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp (TT&VHDN) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phát hiện, xử lý, hạn chế được nhiều thông tin nhạy cảm, xấu độc, có ảnh hưởng tiêu cực đến PVN và các đơn vị thành viên, góp phần làm tốt công tác xử lý sự cố, khủng hoảng truyền thông.
Ngày 9-12-2019, PVN đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Thành viên HĐTV PVN; đồng chí Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban TT&VHDN PVN, các cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo, truyền thông và văn hóa doanh nghiệp tại các đơn vị...
Đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV PVN phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Hội nghị đánh giá kết quả công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp của PVN và các đơn vị thành viên. Năm 2019, PVN đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, xứng đáng với vị trí tập đoàn kinh tế trụ cột của nền kinh tế đất nước. Trong đó, công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp của PVN và các đơn vị thành viên đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần tích cực tuyên truyền, cổ vũ, động viên cán bộ, nhân viên và người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời cung cấp nhiều thông tin đến công chúng trong cả nước để có cái nhìn đầy đủ, chính xác về hoạt động của ngành Dầu khí và sẻ chia với những vất vả, khó khăn của người lao động dầu khí.
Trong công tác truyền thông nội bộ, PVN đã tiến hành rà soát, kiểm tra và tổng hợp toàn bộ hệ thống cán bộ (từ lãnh đạo đến người lao động trực tiếp), các thiết chế, công cụ, phương tiện thực hiện công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp trong toàn PVN. Hiện PVN có 2 tạp chí (Tạp chí Dầu khí, Tạp chí Công đoàn Dầu khí), 14 bản tin, chuyên san và 97 trang tin điện tử, website nội bộ với hơn 100 lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên làm công tác truyền thông.
Đồng thời, PVN nâng cấp cải tiến và đổi mới phương pháp quản lý, vận hành Intraweb. Từ website của PVN đến các tạp chí, bản tin, website, trang thông tin nội bộ của đơn vị đã đưa thông tin đến đông đảo CBCNV, người lao động dầu khí trên 1.000 tin, bài, ảnh, video clip... với thông tin phong phú về cả nội dung và hình thức, đáp ứng kịp thời nhu cầu về thông tin của người lao động. Hiện website PVN được Tổ chức xếp hạng các trang web thế giới và Bộ Công Thương đánh giá là vận hành, quản lý tốt, cập nhật thông tin đều đặn, là website có số lượng người truy cập cao nhất trong số các website của các doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá website PVN đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng mức độ bảo đảm an toàn thông tin. PVN đã kích hoạt phiên bản mới của website tiếng Anh từ 25-1-2019 và cập nhật kịp thời các thông tin phù hợp với sự quan tâm của các đối tác nước ngoài về PVN. Đây là kênh truyền thông đối ngoại quan trọng và chính thống của PVN.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Đối với công tác truyền thông công chúng, Ban TT&VHDN PVN đã tổ chức làm việc trực tiếp với gần 50 cơ quan báo chí có tầm ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội nhằm phối hợp tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của PVN và các đơn vị thành viên. Trong năm qua đã có khoảng 8.000 lượt tin, bài tích cực về ngành Dầu khí được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, Ban TT&VHDN PVN đã phát hiện, xử lý, hạn chế được nhiều thông tin nhạy cảm, xấu độc, có ảnh hưởng tiêu cực đến PVN và các đơn vị thành viên, góp phần làm tốt công tác xử lý sự cố, khủng hoảng truyền thông.
Hình ảnh tại điểm cầu TP HCM
Bên cạnh đó, TT&VHDN PVN tăng cường cung cấp thông tin kịp thời tới các cơ quan báo chí truyền thông về mọi mặt hoạt động của PVN, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về những đóng góp của ngành Dầu khí đối với đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Theo đó, nội dung truyền thông được chú trọng vào các chuyên đề, nhóm vấn đề thiết thực gắn với hoạt động của PVN và các đơn vị thành viên nhằm tạo dư luận xã hội tích cực, góp phần đẩy nhanh việc tháo gỡ cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho PVN phát triển bền vững. Đặc biệt, hai chương trình truyền thông lớn đã đem lại hiệu quả tích cực gồm:
Chuyên đề các dự án điện của PVN được nhiều cơ quan báo chí đồng loạt đăng bài viết, đã tạo hiệu ứng lan tỏa để Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn cho các dự án điện của PVN.
Với chuyên đề về sản phẩm xăng dầu, lần đầu tiên PVN đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông về sản phẩm xăng dầu (Kế hoạch số 4490-KH/DKVN ngày 14-8-2019) với cam kết “Xăng dầu chuẩn nguồn gốc” nhằm định hướng người tiêu dùng từ bỏ các sản phẩm “xăng dầu bẩn”, sử dụng các sản phẩm “xăng dầu sạch”, đồng thời góp phần gia tăng thị phần cho các sản phẩm của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL), Chi nhánh Phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB).
Bên cạnh đó, PVN tổ chức 6 cuộc tọa đàm, hội thảo về các lĩnh vực hoạt động của PVN; tổ chức 9 đoàn nhà báo đi thực tế cơ sở để thâm nhập cuộc sống của người lao động dầu khí, tuyên truyền về những nỗ lực vượt khó của ngành Dầu khí.
Văn hóa doanh nghiệp được triển khai tích cực, gắn với quá trình tái cơ cấu PVN, đã có bước tiến dài thông qua việc thực hiện Cẩm nang Văn hóa Dầu khí và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ lãnh đạo, quản lý PVN. Đặc biệt, PVN đã gắn công tác truyền thông với xây dựng văn hóa doanh nghiệp; tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức xã hội về truyền thống của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của PVN đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.
Tại hội nghị, đại diện cán bộ truyền thông các đơn vị đã có ý kiến trao đổi về công tác truyền thông và xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp của PVN, cũng như chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện truyền thông và xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị mình.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Cảnh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ triển khai thực hiện công tác truyền thông và xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong toàn PVN đã đạt được những kết quả tốt trong năm 2019.
Đồng chí Phạm Xuân Cảnh lưu ý, năm 2020 là năm bắt đầu cho một giai đoạn phát triển mới cho PVN. Chính vì vậy, công tác truyền thông giữ vai trò quan trọng nhằm tuyên truyền, cổ vũ thúc đẩy thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh của PVN trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Các cán bộ truyền thông cần xác định ưu tiên về truyền thông nội bộ, đồng thời tích cực tham mưu cho lãnh đạo đơn vị để truyền thông rộng rãi, củng cố niềm tin cho cán bộ, người lao động dầu khí khi bước vào giai đoạn phát triển mới của PVN. Bên cạnh đó, công tác truyền thông và xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi phải có chiến lược, có phương pháp, lộ trình thực hiện cụ thể để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Đồng chí Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban TT&VHDN phát biểu
Phát biểu kết luận Hội nghị giao ban, đồng chí Trần Quang Dũng- Trưởng ban TT&VHDN thay mặt đội ngũ làm công tác TT&VHDN tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Xuân Cảnh. Đồng chí Trần Quang Dũng điểm lại những điểm nhấn, sự chuyển biến tích cực cũng như một số hạn chế, khó khăn về công tác TT&VHDN năm 2019. Trong thời gian tới, đồng chí Trần Quang Dũng đề nghị đội ngũ làm công tác TT&VHDN, công tác tuyên giáo lưu ý tập trung trong việc chuẩn bị phục vụ Đại hội Đảng các cấp; tuyên truyền chủ động, mạnh mẽ hơn nữa những thành tựu, thành tích của người lao động dầu khí; lưu ý trong việc tổ chức, thực hiện các hoạt động trong công tác TT&VHDN phải sáng tạo, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, đồng bộ, hiệu quả.
Hiền Anh
https://petrovietnam.petrotimes.vn/