Nhu cầu dầu đạt đỉnh - Thực tế hay giả định

27.10.2020

00:00/00:00

Gần đây, các phương tiện truyền thông đưa tin một số công ty dầu mỏ như BP tin rằng nhu cầu về dầu đã đạt đỉnh và bắt đầu rơi vào thoái trào với lý do duy nhất là đại dịch Covid-19. Thực tế có đúng như vậy không?

Hãy chú ý, các thông báo của BP rất “tinh tế”. Nếu BP dự đoán nhu cầu sẽ không bao giờ trở lại mức trước khủng hoảng trong các kịch bản “Chuyển đổi năng lượng nhanh” và “Trung hòa các-bon”, nhưng BP vẫn tính toán nhu cầu sẽ tiếp tục tăng trong 10-15 năm trong kịch bản “Kinh doanh như bình thường” (Business as usual).


Nhu cầu dầu thế giới đã đạt đỉnh chỉ là một giả thiết

Mức độ tin cậy cho giả định về đỉnh nhu cầu đã vượt qua là một chủ đề quan trọng. Nếu nhu cầu dầu giảm một cách bền vững trên toàn cầu, có nghĩa nguồn cung sẽ giảm dần trong thời gian tới. Cho dù nhu cầu dầu đã đạt đỉnh hay không, nhiều dấu hiệu cho thấy nhân loại có thể đã đạt đến hoặc đang trên đường đạt đến mức tối đa trong khai thác dầu mỏ, do cạn kiệt các nguồn tài nguyên dễ tiếp cận nhất.

Do đó, vấn đề được đặt ra trong các cuộc tranh luận về độ tin cậy của đỉnh nhu cầu dầu là: Liệu tiêu thụ dầu thế giới có giảm trong những năm tới hay không?

Ý tưởng nhu cầu dầu đạt đỉnh đến từ đâu?

Hơn một nửa lượng dầu được sử dụng để cung cấp cho vận tải, chủ yếu đường bộ (44% tổng lượng dầu tiêu thụ trên toàn thế giới vào năm 2018). Nếu xe điện được triển khai trên quy mô lớn ở cấp độ toàn cầu, về mặt lý thuyết, nó có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.

Giả định này thường được đi kèm với điều kiện (ví dụ như trong các kịch bản “Chuyển đổi năng lượng nhanh” và “Trung hòa các-bon” của BP) là phải triển khai phương án chia sẻ xe điện (xe điện chỉ lăn bánh khi trên xe có trên 2 người). Điều này có thể làm giảm hơn nữa chi phí trên mỗi km, bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng phương tiện và pin (không được sử dụng trong trường hợp xe điện cá nhân) và bằng cách phân bổ chi phí cho người dùng rộng rãi hơn. Từ đó, việc từ bỏ các phương tiện nhiệt để chuyển sang di chuyển bằng phương tiện điện sẽ được đẩy nhanh.

Tuy nhiên, việc triển khai quy mô lớn các phương tiện điện dùng chung ngày nay chỉ là một giả định về tương lai. Ngoài các vấn đề kỹ thuật và quy định, người ta có thể hình dung ra những rào cản văn hóa và tâm lý đối với việc từ bỏ ôtô chạy xăng dầu của cá nhân. Nó thể hiện những dấu ấn xã hội mạnh mẽ, đặc biệt là bên ngoài các thành phố lớn.

Việc điện khí hóa nhanh chóng và quy mô lớn với các phương tiện giao thông đường bộ sẽ dẫn đến mức tiêu thụ điện tăng đáng kể, ngay cả khi hiệu suất của động cơ điện cao hơn nhiều so với động cơ nhiệt. 64% sản lượng điện thế giới trong năm 2018 được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, 23% từ khí đốt (đang tăng mạnh). Tuy nhiên, 20% khí đốt được đồng chiết xuất với dầu. Do đó, việc giảm khai thác “vàng đen” có thể sẽ có tác động đến nguồn cung cấp khí đốt và cuối cùng là chi phí năng lượng.


Việc triển khai xe điện trên quy mô toàn cầu là điều rất khó thực hiện

Nhìn nhận vấn đề theo cách khác

Trong lịch sử, sự thành công của các công ty dầu mỏ được đánh giá bằng khả năng đổi mới, thậm chí gia tăng trữ lượng thông qua tìm kiếm thăm dò. Sự cạn kiệt trữ lượng dễ tiếp cận đang là vấn đề đau đầu với các tập đoàn dầu mỏ tư nhân như BP, Total, ENI... Hầu hết các nguồn dự trữ dầu mỏ thông thường hiện do các công ty quốc gia (Saudi Aramco, Công ty Dầu quốc gia Iran, Công ty Dầu quốc gia Iraq...) nắm giữ. Các loại dầu phi truyền thống như dầu cát, đá phiến đòi hỏi chi phí khai thác rất cao, không có lợi nhuận ở mức giá hiện tại. Nhiều công ty Mỹ chuyên khai thác dầu khí đá phiến đã phá sản.

Phải chăng các bài phát biểu về sự xuất hiện kịp thời của đỉnh nhu cầu cũng là một cách để các công ty dầu mỏ đưa ra một câu chuyện tích cực khi họ không có khả năng tái tạo nguồn dự trữ? Hậu quả của hạn chế này sau đó được trình bày như là kết quả của chiến lược không còn cần phải gia tăng dự trữ nữa, vì nhu cầu sẽ giảm. Cách tiếp cận đó cũng thuận lợi về mặt truyền thông vì nó phản ánh hình ảnh của các công ty dầu mỏ có trách nhiệm với khí hậu, đồng thời truyền tải một thông điệp lạc quan: Phát thải khí nhà kính sẽ giảm tự nhiên mà không cần nỗ lực cụ thể nào, do thực tế là nhu cầu dầu sẽ tự giảm.

Nếu không có đại dịch Covid-19, tiêu thụ dầu thế giới vẫn tăng cho đến năm 2019 (đã tăng 924.000 thùng/ngày từ năm 2018 đến năm 2019). Mức đỉnh nhu cầu dầu rất đáng quan tâm, nhưng cho đến nay nó vẫn là một giả định trong tương lai. Hơn nữa, một số công ty dầu mỏ như ConocoPhillips của Mỹ và Gazprom Neft của Nga dự đoán nhu cầu tăng trở lại khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhân loại không thể đặt cược tương lai của mình vào sự sụt giảm tự nhiên của nhu cầu dầu.

Đối mặt với những bất ổn về tính bền vững của nguồn cung, về sự cần thiết phải giảm phát thải khí nhà kính đạt được tính trung hòa các-bon, chúng ta phải hành động và làm mọi thứ có thể để giảm nhu cầu dầu. Để đối phó với thách thức này, đòi hỏi chúng ta không chỉ biết trông chờ vào tiềm năng của các công nghệ tương lai.

Nếu không có đại dịch Covid-19, tiêu thụ dầu thế giới vẫn tăng cho đến năm 2019 (đã tăng 924.000 thùng/ngày từ năm 2018 đến năm 2019). Mức đỉnh nhu cầu dầu rất đáng quan tâm, nhưng cho đến nay nó vẫn là một giả định trong tương lai. Nhân loại không thể đặt cược tương lai của mình vào sự sụt giảm tự nhiên của nhu cầu dầu.

S.Phương
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/

Đầu trang