Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/2/2023

09.02.2023

00:00/00:00

TP Hồ Chí Minh hoàn thiện lưới điện thông minh; EIA nhận định nhu cầu dầu tăng 1,1 triệu thùng/ngày; Italy sẽ dùng tiền EU hỗ trợ để loại bỏ khí đốt Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 8/2/2023.


EIA dự báo mức tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Ảnh minh họa: Hartenergy

Ngày 8/2, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN HCMC) cho biết đã cơ bản hoàn tất quá trình tự động hóa toàn bộ lưới điện trên địa bàn thành phố. Trong lĩnh vực giám sát và điều khiển, hiện các trạm 110 kV truyền thống đã hoàn thành chuyển đổi sang mô hình trạm 110 kV không người trực vận hành.

EVN HCMC cũng là một trong số ít đơn vị phân phối điện trên thế giới có lưới điện trung thế vận hành hoàn toàn tự động (có chức năng tự động phát hiện sự cố, cô lập và tái lập điện trong vòng 1 phút cho các khu vực không bị ảnh hưởng).

EVN HCMC là đơn vị phân phối điện đầu tiên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển và Trung tâm điều khiển dự phòng theo chuẩn mực quốc tế. EVN HCMC cho biết, lưới điện thông minh mang lại rất nhiều tiện ích, dễ thấy nhất là thời gian mất điện bình quân năm 2022 chỉ còn 35 phút/người/năm và sẽ phấn đấu xuống còn 20 phút/người/năm trong năm 2023.

EIA dự báo nhu cầu dầu tăng 1,1 triệu thùng/ngày

Ngày 8/2, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 2/2023. EIA cho biết mức tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024, chủ yếu do tăng trưởng ở Trung Quốc và các quốc gia không thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khác.

EIA cũng cho biết sản lượng khí đốt tự nhiên của nước sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023, mặc dù nhu cầu sẽ giảm. Sản lượng khí khô sẽ tăng lên 100,27 tỷ Foot khối mỗi ngày (bcfd) trong năm nay và 101,68 bcfd vào năm 2024 từ mức kỷ lục 98,09 bcfd trong năm 2022.

EIA cho rằng, tăng trưởng sản xuất khí đốt tự nhiên của Mỹ đã vượt xa tốc độ tăng trưởng nhu cầu trong vài tháng qua, giúp giảm giá khí đốt tự nhiên. Dự trữ khí đốt tự nhiên của Mỹ sẽ kết thúc mùa khai thác vào cuối tháng 3/2023 ở mức hơn 1.800 bcfd, tăng 16% so với mức trung bình 5 năm.

Italy sẽ dùng tiền EU hỗ trợ để loại bỏ khí đốt Nga

Ngày 7/2, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố, nước này dự định sử dụng các khoản tiền, được Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ theo kế hoạch RePowerEU, để loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga và biến nước này thành trung tâm năng lượng của khối.

Với tổng kinh phí gần 300 tỷ Euro (321,36 tỷ USD), kế hoạch RePowerEU nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và giải quyết khủng hoảng khí hậu. Số tiền của RePowerEU cũng có thể được sử dụng để xây dựng Hành lang SoutH2, một hệ thống chuyên chở hydro (sẽ được sản xuất ở Bắc Phi) đến Bắc Âu.

Theo bà Giorgia Meloni, kế hoạch RePowerEU sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho "Kế hoạch Mattei" mới của nước này về năng lượng và "biến Rome trở thành trung tâm năng lượng Địa Trung Hải của toàn châu Âu trong mối quan hệ hợp tác hiệu quả đặc biệt với các nước châu Phi".

Mỹ và EU nhất trí đảm bảo sự "minh bạch toàn diện" về các khoản trợ cấp xanh

Tại thảo luận ngày 7/2 giữa Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cùng một số quan chức khác tại thủ đô Washington, Mỹ và EU nhất trí cần phải đảm bảo sự "minh bạch toàn diện" về các khoản trợ cấp xanh.

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ dành khoảng 370 tỷ USD để trợ cấp cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Mỹ, trong đó có việc giảm thuế đối với các mặt hàng ôtô điện và pin mặt trời sản xuất tại nước này. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) hiện quan ngại về cạnh tranh không công bằng và thiệt hại tài sản thế chấp nếu các công ty chuyển ra ngoài lãnh thổ EU.

Liên minh này đang kêu gọi Mỹ xem xét miễn trừ cho các công ty châu Âu. Tuy nhiên, cho đến nay nhóm chuyên trách được thành lập để giải quyết các quan ngại của khối này thu được rất ít kết quả.

BP đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm 2022

Tập đoàn dầu khí BP đã báo cáo mức lợi nhuận kỷ lục gần 28 tỷ USD trong năm 2022, đồng thời tăng cổ tức. Tuy nhiên, thông tin này đã khiến các nhà hoạt động về khí hậu bất bình trước những kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu khí và giảm lượng khí thải carbon vào năm 2030 của tập đoàn.

Ba năm sau khi Giám đốc điều hành (CEO) Bernard Looney nắm quyền lãnh đạo với một kế hoạch đầy tham vọng nhằm chuyển BP từ dầu khí sang năng lượng tái tạo và năng lượng carbon thấp, BP cho biết tập đoàn sẽ tăng chi tiêu hàng năm vào cả hai lĩnh vực thêm 1 tỷ USD, trong đó sẽ tập trung nhiều hơn vào việc phát triển nhiên liệu sinh học carbon và hydro ít phát thải carbon.

Tuy nhiên, BP đã thu hẹp các kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu và đang đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày vào năm 2030, chỉ giảm 25% so với mức của năm 2019 so với kế hoạch cắt giảm 40% trước đó. Theo đó, BP đã giảm tham vọng cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu bán cho khách hàng từ 35-40% xuống 20-30% vào năm 2030. BP vẫn đặt mục tiêu giảm tổng lượng khí thải xuống mức ròng bằng 0 vào năm 2050.

https://petrotimes.vn/

Đầu trang