Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/3/2023
08.03.2023
EVN tăng huy động nhiệt điện than, khí đáp ứng sản xuất và tiêu dùng; Ả Rập Xê-út tăng giá dầu thô xuất sang châu Á, châu Âu; Venezuela và Nga hợp tác tăng sản lượng dầu thô… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 7/3/2023.
EVN tăng huy động nhiệt điện than, khí đáp ứng sản xuất và tiêu dùng
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tháng 3/2022, sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống dự kiến ở mức 743,5 triệu kWh/ngày. Do vậy, để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng, EVN đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tập đoàn sẽ huy động cao các nhà máy nhiệt điện than, turbine khí để giữ nước các hồ thủy điện.
Để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện trong các tháng mùa khô năm 2023, EVN khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm…
Ước tính, trong tháng 2/2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 20,22 tỷ kWh, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 38,61 tỷ kWh, giảm 2,2% so với cùng kỳ.
Qua thống kê cho thấy, trong tháng 2, tỷ lệ huy động thủy điện đạt 10,57 tỷ kWh, chiếm 27,4%. Nhiệt điện than đạt 16,47 tỷ kWh, chiếm 42,7%. Turbine khí đạt 4,32 tỷ kWh, chiếm 11,2%. Năng lượng tái tạo đạt 6,45 tỷ kWh, chiếm 16,7% và Điện nhập khẩu đạt 735 triệu kWh, chiếm 1,9%.
Ả Rập Xê-út tăng giá dầu thô xuất sang châu Á, châu Âu
Tập đoàn dầu khí Ả Rập Xê-út (Aramco) đã tăng giá bán chính thức đối với dầu thô xuất khẩu sang châu Á và châu Âu, dầu thô Arab Light hàng đầu sẽ được bán vào tháng 4 với giá cao hơn 0,5 USD so với tháng 3. Bên cạnh đó, giá dầu Arab Heavy thậm chí còn được tăng rõ rệt hơn, tăng ở mức 2,50 đôla/thùng.
Đây là tháng thứ hai liên tiếp Ả Rập Xê-út tăng giá dầu thô. Trong tháng trước, việc tăng giá gây bất ngờ vì đây là việc lần đầu tiên sau 6 tháng Aramco tiến hành kế hoạch này.
Trong một báo cáo, Reuters lưu ý rằng việc tăng giá diễn ra khi một số nhà máy lọc dầu mới ở quốc gia Trung Đông sắp bắt đầu hoạt động và điều này sẽ làm giảm lượng dầu thô sẵn có cho hoạt động xuất khẩu.
Năng lượng Nga chuyển hướng sang Vùng Vịnh
Reuters ngày 6/3 đưa tin, theo dữ liệu theo dõi và các nguồn giao dịch, việc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã nhận nhiều dầu thô của Nga hơn là một trong những ví dụ cho thấy cách các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đã điều chỉnh dòng chảy năng lượng thương mại.
Nga đã bán cả sản phẩm thô và tinh chế với giá chiết khấu sau các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan cuộc xung đột ở Ukraine khiến nước này có ít khách hàng hơn. Xu hướng đó làm nổi bật sự hợp tác ngày càng tăng giữa Moscow và các nhà sản xuất dầu hàng đầu Vùng Vịnh, chẳng hạn như Ả Rập Xê-út và UAE.
Các quốc gia Arab vùng Vịnh đã chống lại các sức ép của Mỹ trong việc hỗ trợ cô lập Moscow và bơm thêm dầu để giúp thay thế nguồn cung từ Nga sau khi nước này chịu lệnh trừng phạt của phương Tây. Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy, khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô của Nga đã tới UAE - một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, kể từ tháng 11/2022.
Venezuela và Nga hợp tác tăng sản lượng dầu thô
Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Tareck El Aissami mới đây cho biết ông đã cùng Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft, ông Igor Sechin, xác định một chương trình hợp tác nhằm tăng sản lượng dầu thô và tiến tới “các cơ hội kinh doanh mới”.
Ông El Aissami cho hay hai bên đã cùng nhau đánh giá triển vọng của thị trường dầu mỏ thế giới và những thách thức Venezuela và Nga đang phải đối mặt. Bộ trưởng El Aissami khẳng định hợp tác năng lượng Venezuela-Nga rất sâu rộng và hai nước đã thống nhất sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng trong lĩnh vực dầu khí.
Tại Venezuela, Nga có 5 liên doanh là Petromonagas, Petromiranda, Petrovictoria, Boquerón và Perijá, sản xuất ít nhất 80.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Công ty Petromonagas, liên doanh với PDVSA là doanh nghiệp có năng suất cao nhất trong Vành đai Orinoco.
Na Uy đạt doanh thu kỷ lục về dầu mỏ và khí đốt trong năm 2022
Theo số liệu Cơ quan thống kê Na Uy (SSB) công bố ngày 6/3, Na Uy đã đạt doanh thu kỷ lục về dầu mỏ và khí đốt trong năm 2022 sau khi xung đột tại Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao.
SSB nêu rõ doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Na Uy đạt 1.500 tỷ kroner (140 tỷ USD) trong năm 2022, đây là mức cao nhất từng được ghi nhận và gần gấp 3 lần con số 498 tỷ kroner (47 tỷ USD) vào năm 2021.
Nguồn thu trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Na Uy đến từ việc áp thuế các công ty dầu mỏ, việc trực tiếp nắm giữ các mỏ dầu, khí đốt, hạ tầng, cũng như cổ tức mà tập đoàn năng lượng Equinor (với 67% cổ phần thuộc về nhà nước) chi trả.