Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/3/2023
07.03.2023
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn quy định chiết khấu 5-6% giá bán; TP HCM đề xuất cơ chế đặc thù để đầu tư điện mặt trời mái nhà; Ấn Độ nhập dầu kỷ lục từ Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 6/3/2023.
Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ trong 5 tháng liên tiếp. Ảnh minh họa: DNE
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn quy định chiết khấu 5-6% giá bán
Tại tọa đàm "Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc" diễn ra sáng ngày 6/3, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục "kêu cứu" bởi các doanh nghiệp đầu mối bóp "chiết khấu" dẫn đến tình trạng thua lỗ, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì kinh doanh.
Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn có quy định có chiết khấu 5-6% giá bán lẻ, được lấy nhiều đầu mối, giảm bớt thủ tục hành chính, cho phù hợp cơ chế thị trường để doanh nghiệp bán lẻ ổn định, yên tâm phát triển, đưa xăng dầu tới người tiêu dùng.
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố nên cần phải xem xét thấu đáo việc Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có quy định chiết khấu thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học? Bởi, đưa quy định phần trăm chiết khấu vào quy định sẽ khiến tăng chi phí, tăng giá xăng dầu, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng thế nào và kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
TP HCM đề xuất cơ chế đặc thù để đầu tư điện mặt trời mái nhà
Sở Công Thương TP HCM vừa có đề xuất về cơ chế đặc thù để được phát triển nguồn phát điện tại chỗ. Trong đó, tập trung năng lượng mặt trời mái nhà để cung cấp cho lượng phụ tải rất lớn tại thành phố.
Tổng khối lượng đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà toàn TP HCM giai đoạn đến năm 2025 dự kiến khoảng 250 MWp/năm và bình quân 300 MWp/năm giai đoạn 2026-2030. Tổng vốn đầu tư khoảng 12.992 tỉ đồng.
TP HCM đề xuất Chính phủ cho thành phố áp dụng cơ chế mua điện theo giá FIT, cơ chế thực hiện đầu tư điện mặt trời mái nhà được tiếp tục áp dụng theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho phép TPHCM sử dụng các mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng và bán phần điện dư thừa (nếu có) cho ngành điện.
SP Group mua hai nhà máy năng lượng mặt trời của Việt Nam
SP Group, tập đoàn vận hành lưới điện quốc gia của Singapore đã mua lại hai nhà máy năng lượng mặt trời quy mô tiện ích đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một phần trong kế hoạch của SP Group nhằm phát triển các dự án năng lượng mặt trời áp mái và quy mô tiện ích 1,5 gigawatt tính đến năm 2025.
Hai nhà máy điện mặt trời là Europlast Phú Yên và Thanh Long Phú Yên, với công suất tối đa kết hợp là 100 megawatt/giờ, tạo ra 130 gigawatt/giờ năng lượng sạch mỗi năm, giúp tránh được 105.000 tấn khí thải carbon hàng năm.
Thông báo về thương vụ mua lại ngày 6/3, Tập đoàn SP cho biết hai nhà máy này sẽ tăng cường khả năng cho SP Energy giúp các khách hàng thương mại và công nghiệp đạt được “100% mức tiêu thụ năng lượng sạch” sau khi khung mua bán điện trực tiếp của Việt Nam được thiết lập.
Ấn Độ nhập dầu kỷ lục từ Nga
Trong tháng 2/2023, Ấn Độ đã nhập lượng dầu thô kỷ lục từ Nga, 1,62 triệu thùng/ngày. Như vậy, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ trong 5 tháng liên tiếp, theo thống kê mới nhất của Vortexa. Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Ấn Độ gần như không nhập khẩu dầu Nga mà chủ yếu từ Ả Rập Saudi và Iraq.
Hiện tại, Nga đang cung cấp khoảng 35% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, tăng vọt so với thị phần chưa đến 1% trên thị trường năng lượng Ấn Độ vào năm 2021.
Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu thô của Nga bất chấp những lời kêu gọi ngừng nhập khẩu từ các nước phương Tây. Chính quyền New Delhi cũng khẳng định, an ninh năng lượng sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu và họ sẽ tiếp tục đưa ra lựa chọn của riêng mình đối với các nhà cung cấp nhiên liệu.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/