Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/4/2023

04.04.2023

00:00/00:00

OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng; Những cách Mỹ có thể đáp trả việc OPEC+ giảm sản xuất dầu; Thủ đô của Nhật Bản có nguy cơ khan hiếm điện trong mùa hè… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 3/4/2023.


OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 1,15 triệu thùng mỗi ngày. Ảnh: Dailynewsegypt

OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia đối tác (gọi chung là OPEC+) ngày 2/4 đã thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 1,15 triệu thùng mỗi ngày. Ngay sau thông báo của OPEC+ giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày 3/4 đã tăng 6%.

OPEC+ hiện kiểm soát khoảng 50% nguồn cung dầu toàn cầu và quyết định cắt giảm sản lượng sẽ bắt đầu từ tháng 5/2023 và kéo dài cho đến hết năm. Theo thông báo của OPEC+ quyết định này được đưa ra nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.

Trước đó, ngày 2/4, một loạt quốc gia chủ chốt của OPEC đồng loạt thông báo cắt giảm sản lượng, trong đó Ả Rập Xê-út giảm 500.000 thùng/ngày, Iraq tuyên bố cắt giảm 211.000 thùng/ngày. UAE sẽ giảm sản lượng 144.000 thùng/ngày, Kuwait giảm 128.000 thùng/ngày, Kazakhstan 78.000 thùng/ngày, Algeria 48.000 thùng/ngày và Oman 40.000 thùng/ngày. Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út gọi động thái này là “biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ”.

Những cách Mỹ có thể đáp trả việc OPEC+ giảm sản xuất dầu

Theo Bloomberg, trước việc OPEC+ giảm sản xuất dầu, Chính phủ Mỹ có thể thực hiện thêm một đợt bán dầu từ kho dự trữ chiến lược. Kevin Book Giám đốc hãng tư vấn ClearView Energy Partners cho rằng Mỹ vẫn sẽ xả kho dự trữ. "Tổng thống Biden đã can thiệp vào giá xăng theo cách mà các tổng thống tiền nhiệm không làm. Khả năng can thiệp nhiều hơn nữa là rất lớn", ông dự báo.

Timm Schneider - nhà phân tích tại The Schneider Capital Group lại dự đoán: "Vì Mỹ không thể trói tay các nước OPEC+, họ sẽ chuyển hướng sang ngành dầu khí trong nước". Một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các hãng dầu và người tiêu dùng để đảm bảo thị trường năng lượng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời hạ giá cho người Mỹ.

Trong khi đó, David Goldwyn - Giám đốc hãng tư vấn Goldwyn Global Strategies cho rằng đứng yên cũng là một lựa chọn khả thi. "Quyết định của OPEC có vẻ dựa trên biến động thị trường. OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu sẽ giảm sút và hành động trước. Vì vậy, chính phủ Mỹ không cần phải đáp trả", ông giải thích.

Nga sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối năm

Phó thủ tướng Nga A.Novak mới đây cho biết, nước này sẽ kéo dài việc giảm sản lượng dầu thêm 500.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023.

Chính phủ Nga giải thích rằng, điều này được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa do thị trường dầu mỏ đang trải qua thời kỳ biến động mạnh và khó đoán trước bối cảnh khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu. Sự không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu và các quyết định thiển cận và không thể dự đoán trong chính sách năng lượng cũng được cho là nguyên nhân.

Phó Thủ tướng Nga A.Novak khẳng định, “một hành động phòng ngừa và có trách nhiệm, Nga đang thực hiện cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023 so với mức sản xuất trung bình của tháng 2, được xác định theo các nguồn độc lập”.

Phó Thủ tướng Đức thăm Ukraine thảo luận hợp tác năng lượng

Bộ Năng lượng và Kinh tế Đức ngày 3/4 cho biết Phó Thủ tướng Robert Habeck đã bất ngờ tới thăm Ukraine.

Người phát ngôn bộ trên cho biết dự kiến ông Habeck, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng và Kinh tế Đức, sẽ thảo luận về việc tái thiết Ukraine và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước.

Đức đang là một trong những nước hỗ trợ quân sự chính cho Ukraine. Xung đột tại Ukraine cũng làm thay đổi toàn bộ chính sách năng lượng của Đức, khiến nước này buộc phải tìm các đối tác thay thế nhà cung cấp Nga.

Thủ đô của Nhật Bản có nguy cơ khan hiếm điện trong mùa hè

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ công suất điện dự phòng ở khu vực thủ đô có thể giảm xuống mức thấp nhất 3% để duy trì nguồn cung ổn định nếu khu vực do Công ty Điện lực Tokyo cung cấp này trải qua đợt nắng nóng nhất trong vòng một thập kỷ vào tháng 7 tới.

Ngay cả khi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này kéo dài, các công ty điện lực ở các địa điểm khác cũng được dự báo sẽ có tỷ lệ công suất điện dự phòng ở mức hơn 3%. Dựa trên những kế hoạch về nguồn cung của các công ty điện lực, ước tính tỷ lệ công suất điện dự phòng tại khu vực Tokyo sẽ được cải thiện, tăng lên mức 3,9% vào tháng 8 tới và lên mức 4,6% vào tháng 1/2024 đối với khu vực này cũng như các vùng ở miền Bắc Nhật Bản.

Theo truyền thông địa phương, để đảm bảo nguồn cung ổn định, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh nỗ lực tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân vốn đang phải đối mặt những tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt được áp đặt sau sự cố hạt nhân năm 2011.

https://petrovietnam.petrotimes.vn/

Đầu trang