Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/1/2023
31.01.2023
Dự trữ khí đốt châu Âu giảm xuống dưới 75%; EU mở trung tâm năng lượng mới tại Ba Lan để hỗ trợ cho Ukraine; 90% dầu Oman đổ về Trung Quốc… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 30/1/2023.
Tính đến ngày 28/1, lượng khí đốt dự trữ tại các cơ sở lưu trữ ngầm của châu Âu (UGS) được lấp đầy 74,5%. Ảnh minh họa: Euractiv
Dự trữ khí đốt châu Âu giảm xuống dưới 75%
Dữ liệu của cơ quan cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) cho hay, tính đến ngày 28/1, lượng khí đốt dự trữ tại các cơ sở lưu trữ ngầm của châu Âu (UGS) được lấp đầy 74,5%, chứa tổng cộng 81,2 tỷ m3 khí đốt.
Đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay Liên minh châu Âu (EU) đã xoay sở để thay thế 80% lượng khí đốt do Nga cung cấp thông qua đường ống bằng cách giảm nhu cầu từ các nước thành viên và tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ.
Các nước phương Tây đã tìm cách trừng phạt thu nhập từ xuất khẩu dầu khí của Moskva kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Chiến dịch trừng phạt đã dẫn đến sự gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu, dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, khiến các nước EU phải dùng đến các kế hoạch dự phòng.
EU mở trung tâm năng lượng mới tại Ba Lan để hỗ trợ cho Ukraine
Trung tâm năng lượng mới (rescEU) của Ba Lan do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ sẽ hoạt động như một trung tâm hậu cần để cung cấp viện trợ năng lượng khẩn cấp cho Ukraine.
EU đã phân bổ 114 triệu euro cho Ba Lan và rescEU chủ yếu sẽ được sử dụng để cung cấp các máy phát điện, cho phép các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân chuyển viện trợ cho Ukraine. Trong giai đoạn đầu tiên, 1.000 máy phát điện mới sẽ được chuyển đến Ukraine và hàng triệu mặt hàng liên quan đến năng lượng được cung cấp thông qua Cơ chế Bảo vệ dân sự của EU.
Ủy viên EU về Quản lý Khủng hoảng cho biết bằng cách mở trung tâm năng lượng mới cho các nhà tài trợ khác, EU có thể giúp tăng cường ủng hộ năng lượng cho Ukraine trong thời điểm khó khăn nhất. Ba Lan cũng là quốc gia đi đầu và có sự hợp tác chặt chẽ với EU để đảm bảo cung cấp nhanh chóng hàng viện trợ từ khắp châu Âu đến Ukraine.
90% dầu Oman đổ về Trung Quốc
Bộ Năng lượng và khoáng sản Oman ngày 29/1 cho biết, Trung Quốc chiếm 90% trong tổng số 23,4 triệu thùng dầu thô xuất khẩu của quốc gia Trung Đông này vào tháng 12/2022. Ấn Độ là thị trường tiếp theo với 5% thị phần, sau đó là Nhật Bản (4%) và Thái Lan (1%).
Tổng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Oman đạt tổng cộng 33 triệu thùng trong tháng 12/2022, trung bình lên tới khoảng 1,063 triệu thùng mỗi ngày, tăng 0,5% so với tháng trước đó và tăng 5,3% so với tháng 12/2021. Trong đó, riêng sản lượng dầu thô đã tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo cho biết thêm rằng quốc gia Hồi giáo này đã xuất khẩu 26 triệu thùng dầu thô trong tháng cuối năm 2022. Giá trung bình của Hợp đồng tương lai dầu thô của Oman trên Sàn giao dịch hàng hóa Dubai (DME) trong tháng 12/2022 đã giảm 10,12% so với tháng trước đó.
Nam Phi lo ngại nguy cơ từ khủng hoảng năng lượng
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 29/1 đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu nguồn lực của chính phủ để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội mà quốc gia này đối mặt, đặc biệt là cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển và đầu tư.
Nhà lãnh đạo này chỉ rõ ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng gay gắt và thừa nhận việc cắt điện luân phiên vẫn là bắt buộc để giảm tải cho hệ thống cấp điện cũ kỹ. Các nhà máy nhiệt điện dùng than Medupi và Kusile đóng góp tới hơn 80% sản lượng điện cả nước, tuy nhiên các tổ máy của 2 cơ sở này liên tục gặp sự cố buộc tập đoàn điện lực quốc gia Eskom phải thực hiện cắt điện luân phiên.
Tổng thống Nam Phi cũng cho biết một số nhà máy điện sắp hết tuổi thọ sẽ được tái sử dụng từ than đá sang năng lượng tái tạo, đồng thời công bố chương trình bổ sung nguồn điện, bao gồm 26 dự án năng lượng tái tạo, sẽ tạo ra khoảng 2.800 megawatt (MW) và kế hoạch đang đàm phán để nhập khẩu 1.000 MW từ các nước láng giềng.
TotalEnergies cảnh báo về viễn cảnh thị trường năng lượng
Trả lời hãng tin Bỉ L’Echo vào cuối tuần qua, ông Patrick Pouyanne - Giám đốc điều hành TotalEnergies, 1 trong 6 tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, cho rằng sự thiếu hụt dòng khí đốt của Nga đến Liên minh châu Âu (EU) đã dẫn đến những hạn chế về nguồn cung trên thị trường khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Theo ông Pouyanne, các vấn đề về nguồn cung sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường khí đốt châu Âu trong năm 2023 này do nguồn cung từ Nga đang giảm sút nghiêm trọng và xu hướng giảm giá năng lượng hiện nay sẽ không kéo dài.
Cụ thể, theo ông Pouyanne, vào năm 2023, châu Âu sẽ lại phải ồ ạt nhập khẩu LNG và cần phải nhập khẩu nhiều hơn năm 2022, nhưng do châu Âu sẽ nhận được ít khí đốt của Nga hơn so với năm 2022, cho nên, tình hình sẽ lại căng thẳng. Ông Pouyanne cho rằng châu Âu đã phải trả nhiều tiền hơn và do các dự án sản xuất LNG của Mỹ và Qatar chỉ đi vào hoạt động trong vài năm nữa, cho nên thị trường sẽ không giảm căng thẳng trước năm 2025-2026.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/