Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/2/2023
23.02.2023
Cần hiện thực hóa ngay các ý tưởng, cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo; Petrovietnam ký kết Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II; Đức thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và sản xuất năng lượng xanh… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 22/2/2023.
Một góc Trung tâm Điện lực Ô Môn
Cần hiện thực hóa ngay các ý tưởng, cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo
Sáng ngày 22/2, trao đổi với ông Simon Harford, Giám đốc Quỹ Liên minh Năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh (GEAPP), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, với việc tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP), Việt Nam mong muốn nhận được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác quốc tế trong quá trình triển khai JETP.
Ông Simon Harford cho biết, GEAPP cam kết là đối tác lâu dài, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các giải pháp phù hợp cũng như tích cực vận động các đối tác quốc tế về công nghệ, tài chính, quản trị, để Việt Nam có thể sử dụng thêm nhiều nguồn năng lượng sạch, phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm trong những ngành nghề mới, là quốc gia dẫn đầu trong khu vực về năng lượng tái tạo.
Trao đổi với lãnh đạo GEAPP, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần hiện thực hóa ngay các ý tưởng, cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo. Về kế hoạch xây dựng mô hình trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi sản xuất điện gió và ý tưởng xây dựng trục truyền tải năng lượng thông minh khu vực xuyên châu Á - Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có những nghiên cứu thiết thực, cốt lõi về dự trữ điện năng; sản xuất nhiên liệu sạch (hydrogen xanh, amoniac xanh); truyền tải điện thông minh; gia tăng nguồn năng lượng tái tạo nhưng vẫn bảo đảm cân bằng lưới điện…
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu đảm bảo đủ cung than, điện, xăng dầu
Tại buổi làm việc với 3 tập đoàn năng lượng nhằm bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tăng cường hợp tác ngày 21/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu 3 tập đoàn năng lượng lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) không được để đứt gãy nguồn cung, kể cả đứt gãy cục bộ.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, các tập đoàn đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn chưa từng có và hết sức dị biệt trong thời gian qua xuất phát từ những mâu thuẫn địa chính trị trên thế giới, khủng hoảng năng lượng dẫn đến giá nhiên liệu đầu vào cho các ngành năng lượng tăng cao…
Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, trong mọi tình huống, các tập đoàn phải bảo đảm đủ nguồn cung về năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân, không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung, kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ.
Petrovietnam ký kết Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II
Sáng 22/2 tại Hà Nội, Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Liên danh nhà đầu tư là Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) và Marubeni Corporation được ký kết dưới sự chứng kiến của các cơ quan Chính phủ và các đơn vị liên quan.
Việc ký kết thỏa thuận khung này là một bước quan trọng để các bên tiếp tục triển khai các công việc cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ chuỗi Dự án khí - điện Lô B. Nội dung chính của thỏa thuận là thống nhất các nguyên tắc và các điều khoản chính trong Hợp đồng bán khí (GSA) đầy đủ và làm cơ sở để các bên thúc đẩy tiến độ đầu tư toàn bộ các Dự án trong chuỗi khí - điện Lô B.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II có quy mô công suất thiết kế khoảng 1.050 MW. Dự kiến, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỷ m3 khí/năm. Nhà máy sẽ hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2026-2027. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ sản xuất bình quân khoảng 6,3 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia.
Sản lượng điện sạch của Trung Quốc gần bằng nhu cầu điện của các gia đình
Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) cho biết sản lượng điện từ gió và mặt trời của nước này đã tăng mạnh vào năm ngoái và hiện gần bằng nhu cầu sử dụng điện của các gia đình. Trong năm 2022, sản lượng điện “sạch” tăng vọt 21% lên 1.190 terawatt giờ (TWh).
Bắc Kinh đang tăng cường triển khai sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và gió với kế hoạch đặt ra là sản xuất 33% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2025 nhằm giảm lượng khí thải carbon. Ít nhất 30 tỉnh của Trung Quốc đã công bố bắt tay triển khai nhiều chương trình sản xuất năng lượng tái tạo hơn.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ của các gia đình chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng mức tiêu thụ điện của cả nước. Dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế chỉ ra trong năm 2020, 17% lượng điện sử dụng ở Trung Quốc được phân loại vào điện dân dụng, còn ngành công nghiệp chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu điện. Điều này có nghĩa là cường quốc châu Á vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Mỹ và Ba Lan tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/2 có cuộc gặp với Tổng thống Andrzej Duda và Thủ tướng Mateusz Morawiecki trong thời gian thăm Ba Lan nhằm chia sẻ về nỗ lực chung nhằm hỗ trợ Ukraine, áp đặt hậu quả đối với Nga, và củng cố NATO.
Đáng chú ý, hai bên đã thảo luận hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng bao gồm năng lượng hạt nhân dân sự, quan hệ quốc phòng song phương và tầm quan trọng của các giá trị dân chủ vốn là nền tảng cho liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Tổng thống Joe Biden hoan nghênh quyết định của chính phủ Ba Lan đã lựa chọn một công ty có trụ sở ở Mỹ là Westinghouse nhằm cung cấp công nghệ cho 3 lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Ba Lan, củng cố đối tác năng lượng chiến lược dài hạn giữa hai nước…
Đức thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và sản xuất năng lượng xanh
Ngày 21/2, chính phủ Đức đã xác nhận 3 biện pháp quan trọng, trong đó có hỗ trợ tài chính để thúc đẩy các công nghệ chuyển đổi năng lượng cũng như tăng cường sản xuất năng lượng xanh. Phát biểu họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khẳng định cần phải tăng cường năng lực sản xuất các loại năng lượng tái tạo ở Đức và châu Âu.
Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng cho biết những kế hoạch mới nhất sẽ song hành với đề xuất hôm 1/2 của Ủy ban châu Âu (EC) về việc cho phép tăng viện trợ nhà nước. Mục đích là để cho phép Liên minh châu Âu (EU) cạnh tranh với các nền kinh tế khác như Mỹ - quốc gia đã đưa ra những khuyến khích tín dụng thuế cho các nguồn năng lượng tái tạo, hoặc Ấn Độ - quốc gia trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của thế giới.
Theo kế hoạch, chính phủ Đức sẽ ban hành một chiến lược sản xuất điện trong nửa đầu năm 2023, với mục tiêu tạo ra ít nhất 80% điện tái tạo năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên, Đức phải tạo ra 57 gigawatt (GW) từ các turbine gió mới trên đất liền, 22 GW từ các turbine ngoài khơi và 150 GW từ năng lượng mặt trời. Tổng cộng, Đức muốn tiếp cận với 360 GW công suất năng lượng xanh vào năm 2030.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/