Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/2/2023

03.02.2023

00:00/00:00

Thủ tướng yêu cầu không để thiếu hụt năng lượng; OPEC+ nhất trí duy trì chiến lược sản lượng hiện tại; Ai Cập xuất khẩu 60% sản lượng khí đốt sang châu Âu… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 2/2/2023.


OPEC+ ngày 1/2 đã thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay. Ảnh: RDB

Thủ tướng yêu cầu không để thiếu hụt năng lượng

Sáng 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, nhằm đánh giá tình hình tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển KTXH; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia…

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không để thiếu hụt năng lượng. Bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng, dầu ổn định, giảm khâu trung gian.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị sớm sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Khẩn trương sửa đổi khung giá điện; điều chỉnh giá điện theo lộ trình phù hợp, không giật cục.

OPEC+ nhất trí duy trì chiến lược sản lượng hiện tại

Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) ngày 1/2 đã thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay. Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ đã tái khẳng định cam kết tuân thủ "tuyên bố hợp tác" của liên minh gồm 23 nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu đến hết năm 2023.

Quyết định mới nhất của OPEC+được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô đã tăng gần 13% kể từ khi giảm xuống mức thấp nhất là 76 USD vào tháng trước, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch Covid-19. Giá dầu Brent đã giảm 3% xuống 82,90 USD/thùng vào lúc 14h26 ngày 1/2 (giờ Việt Nam).

Các nhà ngoại giao châu Âu cũng cho biết các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm kiếm một thỏa thuận vào ngày 3/2 liên quan đến đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp giá trần cho các sản phẩm dầu Nga, sau khi hoãn quyết định hôm 1/2 trong bối cảnh có sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên.

Ai Cập xuất khẩu 60% sản lượng khí đốt sang châu Âu

Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập ngày 1/2 thông báo lần đầu tiên nước này đã xuất khẩu 60% sản lượng khí đốt tự nhiên sang châu Âu. Lượng khí này là từ nhà máy sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Damietta.

Bộ này cho biết thêm, nhà máy LNG Damietta đã xuất khẩu 7,2 triệu tấn khí đốt tự nhiên kể từ khi được hoạt động trở lại vào năm 2021. Khoảng 4 triệu tấn khí LNG đã được xuất khẩu trong năm 2022, đây là lượng xuất khẩu lớn nhất trong lịch sử gần 20 năm của nhà máy.

Những thành tích này đã giúp Damietta trở thành nhà máy hàng đầu của Ai Cập về xuất khẩu LNG, đồng thời góp phần củng cố vai trò của quốc gia Bắc Phi này như một trung tâm năng lượng ở khu vực Địa Trung Hải.

Italy muốn EU hỗ trợ mở rộng công suất mạng lưới khí đốt

Ngày 1/2, Giám đốc điều hành tập đoàn cơ sở hạ tầng năng lượng quốc doanh SNAM của Italy Stefano Venier cho biết, nước này cần khẩn trương mở rộng công suất mạng lưới khí đốt và sẽ tìm kiếm các quỹ của Liên minh châu Âu (EU) để hỗ trợ sự phát triển. Ông Venier cho rằng, SNAM sẽ tiếp tục việc đầu tư theo kế hoạch, trị giá 2,5 tỷ Euro (2,7 tỷ USD) để hoàn thành một đường ống bổ sung có tên là Tuyến Adriatic.

Ông cho hay Tuyến Adriatic là “một phần công việc cấp bách vì mạng lưới của chúng tôi không còn khả năng vận chuyển khí đốt từ Nam lên Bắc. Nếu không có các công trình mở rộng, mạng lưới khí đốt do tập đoàn kiểm soát sẽ không thể đáp ứng nguồn cung nhiên liệu cao hơn dự kiến trong vài năm tới. Một khi được bật đèn xanh ở Italy, tôi sẽ đến Brussels và xin tiền".

Năm 2022, Italy đã nhanh chóng đảm bảo tăng lượng khí đốt từ Algeria và các nước châu Phi khác thông qua các đường ống dẫn đến bờ biển ở miền Nam, sau khi Nga cắt giảm nguồn cung đến phía Bắc. Tuy nhiên, sự thay đổi dòng nhập khẩu đã ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển khí đốt từ phía Nam lên phía Bắc. Chính phủ Italy cũng nhận thấy vai trò ngày càng tăng của nước này với tư cách là trung tâm vận chuyển nguồn cung cấp năng lượng từ châu Phi đến Bắc Âu.

https://petrovietnam.petrotimes.vn/

Đầu trang