Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/1/2023
18.01.2023
Đề nghị Zarubezhneft EP Vietnam đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam; Nga bán dầu thô dưới mức giá trần phương Tây đặt ra; EC thúc đẩy kế hoạch mua chung khí đốt trước mùa hè… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 17/1/2023.
Đường ống tại cơ sở khí đốt tự nhiên Dashava nối Nga, Ukraine và Đông và Tây Âu. Ảnh: Politico
Đề nghị Zarubezhneft EP Vietnam đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Tại buổi tiếp ông Alexander I. Mikhaylov - Tổng giám đốc Công ty Zarubezhneft EP Vietnam (Zarubezhneft) vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao hợp tác của Zarubezhneft và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam và tại Liên bang Nga, đặc biệt là 2 liên doanh Vietsovpetro (ở Lô 09-1, Việt Nam) và Rusvietpetro (ở Nhenhexky, Liên bang Nga).
Bộ trưởng đề nghị Zarubezhneft tiếp tục tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực dầu khí mà cả các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, chế tạo thiết bị phục vụ các ngành công nghiệp năng lượng…
Về đề xuất cung cấp dầu thô dài hạn và xây dựng dự án kho dự trữ xăng dầu của Zarubezhneft, trên cơ sở cân đối cung cầu các sản phẩm xăng dầu, hóa dầu và tình hình thực hiện công tác dự trữ dầu thô và xăng dầu, Bộ sẽ xem xét đề xuất của Zarubezhneft trong quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia và Quy hoạch tổng thể hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ đề nghị Zarubezhneft làm việc cụ thể với Petrovietnamđể có đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Khí đốt châu Âu tiếp đà hạ nhiệt
Theo dữ liệu ngày 16/1 tại sàn giao dịch ICE ở London, lần đầu tiên kể từ ngày 6/9/2021, giá giao dịch khí đốt ở châu Âu đã giảm hơn 10%, xuống dưới mức 650 USD/1.000 m³. Tại TTF - sàn giao dịch lớn nhất của châu Âu ở Hà Lan - giá giao dịch khí đốt kỳ hạn tháng 2/2023 mở cửa ở mức 728,6 USD/1.000 m³ (tăng 0,2%), nhưng vào lúc 13h07 giờ Moscow (17h07 giờ Hà Nội), giá khí đốt giao dịch chỉ còn 652,5 USD/1.000 m³ (giảm 10,3%) và vài phút trước đó đã giảm xuống còn 645,1 USD/1.000 m³ lần đầu tiên sau hơn 16 tháng.
Giá khí đốt ở châu Âu lần cuối cùng giảm xuống dưới mức 700 USD/1.000 m³ là vào hôm 5/1, lần đầu tiên kể từ ngày 10/9/2021. Theo các chuyên gia, giá khí đốt giảm trên sàn giao dịch châu Âu do khí hậu nóng lên và sản lượng điện gió gia tăng.
Tuy nhiên, bất chấp đà sụt giảm hiện nay, giá nhiên liệu này vẫn cao hơn gấp đôi mức trung bình trong nhiều năm. Mức giá cao liên tục như vậy là chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử hoạt động của các trung tâm khí đốt ở khu vực kể từ năm 1996.
Nga bán dầu thô dưới mức giá trần phương Tây đặt ra
Ngày 16/1, Bộ Tài chính Nga cho biết, giá bán trung bình hỗn hợp dầu Urals là 46,82 USD/thùng, tương đương 341,8 USD/tấn, trong khoảng thời gian từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/1. Như vậy, dầu Urals của nước này được bán dưới mức giá trần là 60 USD/thùng và gần bằng một nửa so với dầu Brent (khoảng 85 USD/thùng).
Vào tháng 12/2022, giá dầu của Nga được cho là đã giảm 25% so với tháng trước đó sau khi Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia đưa ra mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Moscow. Đồng thời, EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh đã ban hành lệnh cấm đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển.
Theo nhiều chuyên gia, mức giá trần của phương Tây áp lên dầu Nga như một phần của lệnh trừng phạt mới nhất đối với Nga, ít tác động ngay đến doanh thu từ dầu mỏ của Moscow. Theo Bộ Tài chính Nga, xuất khẩu dầu khí được dự báo chiếm 42% doanh thu của Nga trong năm 2023 với 11,7 nghìn tỉ rúp (172 tỉ USD), tăng từ 36% hay 9,1 nghìn tỉ rúp (133 tỉ USD) vào năm 2021.
EC thúc đẩy kế hoạch mua chung khí đốt trước mùa hè
Ngày 16/1, sau cuộc họp đầu tiên của quan chức các nước Liên minh châu Âu (EU) nhằm phối hợp thực hiện kế hoạch thu mua khí đốt chung, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic đã kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng phối hợp với các bên liên quan để ước tính lượng khí đốt cần thiết cho việc lấp đầy các kho chứa trước mùa đông tới. Ông Sefcovic nêu rõ EC đang nỗ lực tối đa để kịp thời chuẩn bị nguồn cung khí đốt và đảm bảo làm đầy các kho dự trữ và cơ chế mua chung có thể mang lại mức giá phải chăng.
Tuy nhiên, giới chức EU cho biết một số công ty dầu khí lớn có phần lưỡng lự, không muốn tham gia chương trình mua khí đốt chung này do họ có thể đàm phán các thỏa thuận riêng và nghi ngờ khả năng cơ chế này của EU sẽ giúp giảm giá khí đốt.
Dự kiến, EC sẽ công bố lượng khí đốt mà các nước EU dự kiến mua chung vào mùa xuân tới để thu hút thêm nhiều đề xuất của các nhà cung cấp. Theo cơ chế mua khí đốt chung, các nước phải đảm bảo các công ty trong nước tham gia thu mua khí đốt theo nhu cầu tương ứng mức 15% lượng khí đốt (tương ứng khoảng 13,5 tỉ m3 khí đốt) cần thiết để lấp đầy 90% kho dự trữ.
Ấn Độ nhập khẩu dầu thô Nga ở mức kỷ lục 1,2 triệu thùng/ngày
Hãng tin Bloomberg ngày 16/1 dẫn số liệu của công ty phân tích năng lượng Vortexa cho biết lượng dầu thô Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đạt mức kỷ lục 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2022.
Mức nhập khẩu này tăng 33 lần so với cùng kỳ năm 2021, khi Ấn Độ nổi lên là một trong những khách hàng lớn nhất của Nga trong bối cảnh phương Tây đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Hiện Nga đã vượt Iraq trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ.
Lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ từ Iraq và Saudi Arabia trong tháng 12/2022 cũng tăng, nhưng mức tăng không ấn tượng như nhập từ Nga. Cụ thể, xuất khẩu dầu của Iraq cho Ấn Độ tăng 7% trong tháng, đạt 886.000 thùng/ngày. Còn xuất khẩu từ Saudi Arabia đạt mức tăng 12%, tương ứng với 748.000 thùng/ngày.
Nga bội thu từ xuất khẩu năng lượng
Hôm 16/1, Phó Thủ tướng Aleksandr Novak cho biết xuất khẩu năng lượng của Nga tăng trưởng bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây trong năm ngoái. Theo đó, xuất khẩu dầu của Nga năm 2022 tăng 7%, trong khi doanh số bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng 8%. Sản lượng dầu tăng 2% so với sản lượng năm 2021, đạt tổng cộng 535 triệu tấn.
Nhìn chung, doanh thu của Nga từ xuất khẩu năng lượng trong năm 2022 tăng khoảng 28%, tương đương 2,5 nghìn tỉ rúp (36,6 tỉ USD), so với năm 2021. “Bất chấp mọi khó khăn, ngành năng lượng đã hoạt động ổn định vào năm ngoái, chống lại các thách thức bên ngoài và đảm bảo an ninh năng lượng của Nga, góp phần đáng kể ngân sách Nga”, ông Novak tuyên bố.
Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt qua đường ống đã giảm gần 1/3 vào năm 2022 do các lệnh trừng phạt của phương Tây và vụ phá hoại đường ống Nord Stream 1 hồi tháng 9 năm ngoái. Bộ Tài chính Nga gần đây cho biết doanh thu từ dầu khí của nước này sẽ giảm hơn 54 tỉ rúp (790 triệu USD) trong tháng 1 do lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga và mức trần giá G7, EU có hiệu lực vào tháng 12 năm ngoái.
Đức bảo vệ quyết định vận hành trở lại các nhà máy điện than
Phát biểu tại một hội nghị về năng lượng tại thủ đô Berlin ngày 16/1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck đã bảo vệ quyết định tạm thời đưa các nhà máy nhiệt điện than hoạt động trở lại.
Bộ trưởng Habeck cho rằng việc để các nhà máy nhiệt điện than tiếp tục hoạt động là cần thiết để giảm mức tiêu thụ khí đốt trong sản xuất điện, dù đây là một lỗi lớn về mặt chính sách khí hậu. Tất nhiên, cần cố gắng để các nhà máy điện than này hoạt động càng ngắn càng tốt.
Theo ông Habeck, khi cơ sở hạ tầng khí hóa lỏng (LNG) và các nhà máy điện vận hành bằng khí đốt hoàn thành, tất cả các nhà máy nhiệt điện than sẽ dừng hoạt động hoàn toàn. Quá trình này có thể sẽ kéo dài thêm 1 hoặc 2 năm nữa. Bộ trưởng Habeck cũng đã công bố các cuộc đấu thầu xây dựng các nhà máy điện khí đốt mới và thông tin chi tiết về quy hoạch mạng lưới hydro, đồng thời cũng không loại trừ việc thu hồi và lưu trữ khí CO2 ở Đức trong tương lai.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/