Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/1/2023
16.01.2023
Sự biến động của thị trường năng lượng có thể kéo dài; OPEC+ đối mặt với “triển vọng không ổn định” về cung và cầu… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 15/1/2023.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar cho rằng các nước châu Âu cuối cùng sẽ tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga với mức cao hơn. Ảnh minh họa: Dw
Sự biến động của thị trường năng lượng có thể kéo dài
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Năng lượng toàn cầu do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức ở Abu Dhabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar và Giám đốc điều hành công ty khí đốt QatarEnergy dự báo rằng các nước châu Âu cuối cùng sẽ tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga với mức cao hơn. Quan chức này đồng thời cảnh báo rằng sự biến động của thị trường có thể kéo dài trong nhiều năm.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho rằng một mùa đông không quá lạnh ở châu Âu đã giúp giá năng lượng giảm, song sự bấp bênh sẽ vẫn tồn tại "trong thời gian tới" do không có nhiều khí đốt được giao dịch trên thị trường từ nay cho tới năm 2025. Ông tin rằng khí đốt của Nga cuối cùng sẽ lại được vận chuyển tới châu Âu nhưng cho rằng tình hình có thể thay đổi trong tương lai.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khẳng định thế giới sẽ cần khí đốt tự nhiên trong một thời gian dài và cần có thêm đầu tư để đảm bảo an ninh nguồn cung cũng như giá cả phải chăng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
OPEC+ đối mặt với “triển vọng không ổn định” về cung và cầu
Trả lời phỏng vấn Asharq TV, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei cho rằng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đối tác, còn gọi là OPEC+ đang đối mặt với “triển vọng không ổn định” trên thị trường dầu mỏ cả về cung và cầu,
Bộ trưởng cho biết điều này là do các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với dầu thô của Nga có hiệu lực cùng với việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách "Zero Covid".
Cũng theo ông Al-Mazrouei, năng lực sản xuất của OPEC+ đã giảm 3,7 triệu thùng/ngày do ít đầu tư hơn vào lĩnh vực dầu mỏ. Và UAE đang thực hiện các bước ưu tiên để bù đắp cho việc giảm công suất sản xuất dầu ở một số quốc gia bằng cách đưa ra kế hoạch tăng công suất sản xuất dầu năm triệu thùng mỗi ngày đến năm 2027 so với mục tiêu trước đó là năm 2030.
Quan chức Hungary cảnh báo liên quan đến dầu mỏ, khí đốt Nga
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình M1 của Hungary mới đây, Nghị sĩ quốc hội kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Tamas Menczer cho rằng Hungary sẽ không thể thay thế lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên mà nước này nhận được từ Nga trong thời gian ngắn.
“Khí đốt của Nga chiếm 85% lượng tiêu thụ khí đốt của Hungary và 65% nhu cầu dầu mỏ của chúng ta. Điều này là không thể thay đổi trong một sớm một chiều”, ông giải thích. Theo quan chức này, Hungary vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa nguồn cung, nhưng tất cả các phương án hiện đang được xem xét đều có nhược điểm.
“Các chuyên gia nhìn thấy 3 khả năng đa dạng hóa, đó là chúng ta có thể tăng công suất của kho cảng LNG ở Croatia, thứ hai là bắt đầu sản xuất ở mỏ khí đốt Neptun của Romania và thứ ba là chúng ta có thể nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan”, Bộ trưởng Menczer nói và cho biết thêm rằng cả ba đều “đòi hỏi nhiều tiền bạc, thời gian và sự phát triển cơ sở hạ tầng nghiêm túc, vì vậy không thể thay thế khí đốt của Nga vào lúc này”.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/