Ngành dầu khí tích cực đảm bảo gia tăng trữ lượng năm 2019
22.02.2019
Với những khó khăn của sự sụt giảm trữ lượng, diễn biến thị trường khó lường cùng với một số bất ổn trên biển đã tạo thêm sức ép đối với ngành dầu khí.
Mặc dù vậy, với sự nỗ lực của những con người ngày đêm “tìm lửa”, ngành dầu khí đang rất quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra. Trong tương lai gần, ngành dầu khí vẫn tiếp tục là mũi nhọn chủ lực, đóng góp lớn nhất vào nền kinh tế nước nhà.
Đáp ứng 70% nhu cầu trong nước
An ninh năng lượng đang là vấn đề cấp bách với nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục trong những năm qua càng đòi hỏi nguồn cung năng lượng lớn hơn bao giờ hết. Trong khi đó, tổng cung năng lượng sơ cấp mà Việt Nam sử dụng tiêu thụ tới 40% là từ dầu khí.
Ngoài ra, bối cảnh năng lượng điện tăng trưởng mạnh khoảng 10% - 12% với xu hướng phát triển nhiều dự án điện khí trong tương lai càng tạo áp lực lớn hơn đối với ngành Dầu khí Việt Nam. Mặc dù trên thực tế các mỏ dầu khí khai thác hiện tại đang sụt giảm trữ lượng nhưng những số liệu cho thấy tỉ lệ cạn kiệt trữ lượng dầu khí mới đạt 38%. Đồng thời tỉ lệ cạn kiệt trữ lượng khí mới đạt 16% cho thấy khả năng thăm dò, phát hiện và khai thác vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
Một tín hiệu tích cực khác là Việt Nam đang dần làm chủ một số công nghệ để chế biến dầu thô khi Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào hoạt động, kết hợp cùng với hoạt động hiệu quả của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tổng khả năng công nghiệp chế biến dầu khí đáp ứng tới 70% nhu cầu xăng, dầu, nhiên liệu cho cả nước.
Số liệu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, năm 2018, sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 675.000 tấn (đạt 11,31 triệu tấn). Đồng thời hàng loạt các giải pháp tái cơ cấu toàn diện đang bắt đầu phát huy hiệu quả khi nhiều đơn vị thành viên của PVN sau cổ phần hóa đã có những bước tiến vượt bậc cả về năng suất lao động, thu hút vốn đầu tư cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Tuy còn một số đơn vị vẫn đang chính thức chờ phê duyệt phương án song những kết quả ban đầu tại PVPower, PVOil, BSR, cơ cấu lại một số đơn vị tại Tập đoàn đã là những dấu hiệu hết sức đáng mừng.
Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò
Mặc dù năm 2018, PVN đã nỗ lực để đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, tuy nhiên, thực tế cũng phải thừa nhận rằng còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó phải kể đến năng lực tài chính để thực hiện các dự án tìm kiếm, thăm dò và diễn biến tình hình Biển Đông. Trong khi các nước sản xuất dầu mỏ OPEC + đang cố gắng tìm cách để giảm đà sụt giảm của giá dầu bằng cách thống nhất cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày thì ở khía cạnh khác, nền kinh tế lớn nhất thế giới lại mong muốn giá dầu duy trì ở mức độ thấp để phát triển nền sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế uy tín đều tin rằng, giá dầu sẽ có xu hướng tăng ổn định trong khoảng 3 - 4 năm nữa song các tổ chức này cũng cảnh báo nguy cơ dư cung do hiệu ứng của các đợt tái cấu trúc, tối đa hóa lợi nhuận của các nước sản xuất dầu mỏ.
Để đối phó với những khó khăn trên, lãnh đạo PVN đã nhiều lần khẳng định ngoài việc bám sát tình hình diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, PVN sẽ tiếp tục lựa chọn, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tìm kiếm thăm dò thẩm lượng, bảo đảm gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2019 từ 5 đến 10 triệu tấn dầu quy đổi. Ưu tiên tập trung phát triển các dự án: Lô B - Ô Môn, Cá Voi Xanh… để đảm bảo hiệu quả giữa chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước; bảo đảm an ninh năng lượng và hiệu quả của doanh nghiệp...
Cùng với năng lượng than, thủy điện và năng lượng tái tạo, dầu khí tiếp tục khẳng định vai trò không thiếu cả trong việc chủ động cung cấp lẫn hỗ trợ các ngành năng lượng khác. Không chỉ vậy, các cụm công nghiệp lọc - hóa dầu, khí - điện - đạm còn giải quyết công ăn việc làm và làm động lực để phát triển kinh tế vùng một cách hiệu quả.
ĐỨC THÀNH
Nguồn:https://laodong.vn