Ngành công nghiệp dầu khí thế giới hứa hẹn sẽ minh bạch hơn

27.11.2020

00:00/00:00

Những tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực dầu khí hôm thứ Năm tuần này (26/11) đã cam kết minh bạch hơn về lượng khí thải metan của họ để có thể giảm sự rò rỉ của loại khí này, rất có hại cho khí hậu.


Đốt khí đồng hành ở Iraq

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Ủy ban châu Âu trong một thông cáo báo chí chung cho biết: “Các công ty lớn trong ngành dầu khí đã đồng ý báo cáo minh bạch mới về lượng phát thải khí metan”.


Sáng kiến này quy tụ các công ty như BP của Anh, Eni của Ý, Equinor của Na Uy, Shell của Anh - Hà Lan và Total của Pháp.

Metan (CH4) là một loại khí nhà kính rất mạnh, sức nóng của nó gấp hơn 80 lần so với khí carbon dioxide (CO2) trong khoảng thời gian 20 năm.

Sự phát thải của nó chủ yếu xuất phát từ nông nghiệp, nhưng cũng từ việc khai thác dầu và khí đốt - trong quá trình khai thác, vận chuyển và phân phối.

Lĩnh vực khai thác năng lượng được coi là nguyên nhân gây ra hơn 20% lượng khí metan phát thải do hoạt động của con người. Nhưng các nghiên cứu đã cho rằng tỷ lệ rò rỉ lớn hơn nhiều.

Cụ thể, sáng kiến giảm thiểu khí metan trong các hoạt động khai thác dầu khí (OGMP) sẽ thiết lập một "khuôn khổ báo cáo mới giúp cải thiện tính chính xác và minh bạch các báo cáo về phát thải khí metan do con người gây ra trong lĩnh vực này".

Những công cụ đo lường mới này sẽ cho phép các chính phủ, nhà đầu tư và người dân "theo dõi và so sánh chính xác hoạt động của các công ty theo cách mà trước đây là không thể", theo UNEP và Ủy ban châu Âu.

62 công ty đã tham gia sáng kiến này, chủ yếu là các công ty châu Âu, đại diện cho 30% sản lượng hydrocacbon trên thế giới. Tuy nhiên, những tên tuổi lớn trong lĩnh vực này vẫn còn vắng mặt, chẳng hạn như công ty quốc gia Ả Rập Xê Út Saudi Aramco hay ExxonMobil và Chevron của Mỹ.

Bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP, cho biết: “Chúng tôi ghi nhận sự chủ động của các công ty khi tham gia vào khuôn khổ báo cáo khí mê-tan đầy tham vọng này”.

“Chúng tôi mong muốn được chứng kiến những hành động biến những cam kết này thành việc cắt giảm khí thải thực sự”, bà Inger Andersen nói thêm.

Nh.Thạch

AFP

Đầu trang