Nâng cao vai trò doanh nghiệp Việt Nam với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
13.03.2019
Ngày 12/3 tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”. Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đồng hành cùng chương trình.
Diễn đàn được tổ chức nhằm hướng tới việc không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; hướng đến việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường bền vững, ứng phó với các diễn biến về biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh diễn đàn
Tại diễn đàn, các chuyên gia đều cho rằng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là sự kết hợp chặt chẽ giữa ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng nượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược xây dựng phát triển đất nước. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển và bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được đề cập tới như một yêu cầu cấp thiết trong hoạch định và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các cấp, các ngành và các lĩnh vực.
Do phát triển kinh tế, dân số tăng nhanh kéo theo một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chất thải từ sản xuất, tiêu dùng ngày càng tăng, thời gian tới, cộng đồng các doanh nghiệp cần kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần tập trung nỗ lực tham gia thực hiện một số các giải pháp như: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ bảo vệ môi trường phát triển kinh tế xã hội; chú trọng khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học; bảo vệ và cải thiện tài nguyên môi trường, đảm bảo mọi người dân được sống trong môi trường trong sạch và lành mạnh…
Đánh giá thực trạng môi trường hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự thay đổi về hành vi và nhận thức của người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung đã tạo ra cả áp lực và động lực mới cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực môi trường, đổi mới công nghệ sản xuất, quy trình sản xuất, phương thức quản lý để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường, vì thế các doanh nghiệp cần phải có cách nhìn nhận và đánh giá phù hợp nhằm đưa ra các giải pháp phát huy vai trò của doanh nghiệp bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh. Việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái gắn với sản xuất kinh doanh giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng: Các doanh nghiệp cần sớm chú trọng các giải pháp như đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất, phương thức quản lý để phát triển các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp cho chính người quản lý và lao động trong doanh nghiệp của mình và tại địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, cơ sở sản xuất nhằm hướng đến vì mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường Trịnh Xuân Quảng phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường Trịnh Xuân Quảng cũng cho biết: “Thách thách chung đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh quá phụ thuộc vào nền kinh tế nâu, tức là sử dụng phần lớn nguyên nhiên liệu từ thiên nhiên; chưa đầu tư nguồn lực xứng đáng và lúng túng trong bảo vệ môi trường; chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường chưa hoàn thiện dẫn đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp chưa hiệu quả, tính rủi ro cao; chưa chọn lựa mô hình tăng trưởng có tính bền vững và thân thiện môi trường.
Vì vậy, vấn đề đặt ra cốt lõi tại là vừa quản lý tốt nhất, hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường bền vững; cơ chế khuyến khích để cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và là đối tượng trọng tâm của đời sống kinh tế - xã hội trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường”.
Nguyễn Hoan
Nguồn:https://petrotimes.vn