Liệu thỏa thuận sản lượng đổ vỡ có dẫn đến một cuộc chiến giá dầu?

11.03.2020

00:00/00:00

Saudi Arabia đã phát động một cuộc chiến giá dầu nhắm tới đối thủ lớn nhất của nước này là Nga, sau khi Nga từ chối tham gia nỗ lực cắt giảm sản lượng cùng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).


Liệu thỏa thuận sản lượng đổ vỡ có dẫn đến một cuộc chiến giá dầu? Ảnh minh họa: TTXVN

Trước đó, tại cuộc họp ngày 6/3, các thành viên OPEC và đồng minh then chốt Nga đã không thể đi đến nhất trí về việc cắt giảm sản lượng nhằm kiềm chế đà sụt giảm của giá dầu thô trên thị trường thế giới do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Động thái châm ngòi cuộc chiến giá dầu

Hãng Reuters dẫn các nguồn tin cho hay Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu số một thế giới, đã công bố kế hoạch tăng sản lượng dầu thô đáng kể lên trên mức 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2020, giữa bối cảnh thỏa thuận cắt giảm nguồn cung giữa các thành viên OPEC và các đồng minh trong đó có Nga (OPEC+) sẽ chính thức hết hạn cuối tháng Ba này.

Hôm 7/3, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã đến thăm “đại gia” dầu mỏ Aramco và yêu cầu tập đoàn này tăng cường nguồn cung sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ hiện tại kết thúc. Thông điệp từ Bộ trưởng Năng lượng Saudi cho hay Aramco nên tối đa hóa sản lượng để bảo vệ thị phần của mình.

Đồng thời, Aramco đã giảm giá bán chính thức (OSP) trong tháng Tư đối với tất cả các loại dầu thô, với mức giảm mạnh nhất trong 20 năm qua, theo Bloomberg News. Saudi Arabia dự kiến sẽ nhắm đến khu vực Tây Bắc châu Âu, thị trường trọng điểm của Nga. Theo đó, giá dầu Arabia Light bán sang thị trường châu Âu lần đầu tiên thấp hơn 10,25 USD/thùng so với giá dầu Brent. Saudi Arabia cũng giảm giá bán dầu giao tháng 4/2020 xuất khẩu sang thị trường châu Á khoảng 4-6 USD/thùng và giảm 7 USD/thùng đối với dầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ngoài ra, sản lượng dầu của Saudi Arabia trong tháng tới sẽ ở mức trên 10 triệu thùng/ngày và thậm chí có thể tiến gần tới ngưỡng 11 triệu thùng/ngày. Hiện nay, Saudi Arabia đang bơm tổng cộng 9,7 triệu thùng/ngày, trong khi công suất sản xuất dầu của nước này là 12 triệu thùng/ngày.

Động thái này của Saudi Arabia được cho là để nhắm tới đối thủ dầu mỏ là Nga cùng với lĩnh vực dầu đá phiến Mỹ và các nhà sản xuất dầu với chi phí cao khác. Việc này cũng sẽ gây áp lực lên các đồng minh của Saudi Arabia tại vùng Vịnh như Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Kuwait phải giảm giá và có khả năng tăng sản lượng để duy trì cạnh tranh.

Một cuộc chiến về giá cả có thể gây ra thiệt hại cho tất cả các bên, nhưng ảnh hưởng đối với các nhà sản xuất phụ thuộc vào dầu mỏ mà có nền kinh tế yếu hơn như Nigeria và Angola là rất lớn bởi các nước này có rất ít phạm vi để tăng sản lượng và ít khả năng đi vay để bù đắp cho sự thiếu hụt ngân sách.

Các nhà quan sát nhận định rằng việc Saudi Arabia tăng sản lượng và cung cấp dầu thô với mức giá chiết khấu để thu hút khách hàng mới sẽ gây ra nguy cơ khiến giá dầu giảm hơn nữa. Giá “vàng đen” đã mất 1/3 kể từ tháng 1/2020, xuống gần 45 USD/thùng.

Tại thị trường châu Á trong phiên ngày 10/3, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,41 USD (4,1%) so với phiên trước đó, lên 35,77 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,25 USD (4%), lên 32,38 USD/thùng.

Nguyên nhân của những bất đồng về cắt giảm sản lượng

Dù giá dầu rẻ đồng nghĩa với việc người tiêu dùng và các doanh nghiệp có lợi hơn khi chi tiêu, song tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước sản xuất và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hàng nghìn công nhân tại các mỏ dầu ở Mỹ đã phải tạm nghỉ việc.

Thất bại trong đàm phán ở Vienna, Áo, càng nhấn mạnh ảnh hưởng hạn chế của OPEC đối với thị trường năng lượng thế giới, không giống như thời hoàng kim những năm 1970. Mỹ gần đây đã trở thành nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới và vẫn duy trì 100% sản lượng khai thác.

Mười bốn nước thành viên OPEC muốn cắt giảm sản lượng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, tương đương 1,5% sản lượng trên toàn thế giới. Các nước OPEC như Saudi Arabia và Iran cho biết, họ cần các nước ngoài OPEC cắt giảm khoảng 500.000 thùng trong số này.

Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo, người Nigeria, cho biết Nga và các nước ngoài OPEC khác đã làm việc cùng tổ chức này trong những năm gần đây và từng nhất trí về việc cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, Nga có thể dễ dàng chấp nhận và chống đỡ việc giá dầu sụt giảm hơn hẳn Saudi Arabia và rõ ràng họ tỏ ra chần chừ trong việc cắt giảm sản lượng của ngành xuất khẩu tạo ra lợi nhuận chủ chốt này.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Saudi Arabia sản xuất dầu mỏ với giá thành rẻ, song họ cần giá dầu duy trì tối thiểu ở mức 83,6 USD/thùng để cân bằng với ngân sách. Quốc gia này cũng dựa rất nhiều vào thu nhập từ việc bán dầu.

Trong khi đó, Nga chỉ cần duy trì mức giá tối thiểu là 42,4 USD/thùng. Hãng tin AFP cho biết, nhiều quan chức Nga thời gian gần đây liên tục tỏ thái độ thờ ơ với việc cắt giảm hơn nữa sản lượng dầu mỏ, với lý do rằng mức giá hiện nay là chấp nhận được đối với Moskva và kế hoạch ngân sách của quốc gia này.

Những "ông lớn" trong ngành công nghiệp dầu mỏ Nga lo ngại rằng chính sách cắt giảm sản lượng mạnh tay hơn nữa sẽ làm doanh thu sụt giảm và khiến thị phần rơi vào tay các đối thủ khác, đặc biệt là Mỹ. Nhà phân tích thị trường Edward Moya, làm việc tại hãng môi giới trực tuyến Oanda, bình luận: “Nga có thể chấp nhận mức giá 40 USD/thùng và có vẻ như họ sẵn sàng chống đỡ với mức giá thấp hơn trong ngắn hạn”.

Giới phân tích cho rằng OPEC có thể sẽ phải vật lộn để tìm cách ngăn giá dầu sụt giảm hơn nữa, nhất là khi tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn là điều chưa ai có thể ước đoán được.

Dịch bệnh lây lan đã khiến các hoạt động đi lại bị hạn chế, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu giảm. Một số nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế toàn cầu có thể suy thoái ngay từ quý I năm nay, lần đầu tiên từ sau khủng hoảng tài chính và càng khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng sụt giảm.

Ông Barkindo cho biết OPEC quyết tâm tránh kịch bản thị trường dư thừa nghiêm trọng như những gì bắt đầu vào năm 2014 khi tổ chức này buộc phải dừng việc cắt giảm sản lượng để đối phó với nguy cơ mất thị phần vào tay ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Tình trạng này đã dẫn đến việc giá dầu năm 2015 giảm từ 100 USD/thùng xuống chỉ còn chưa đầy 40 USD/thùng.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngay cả trong trường hợp OPEC và các đồng minh có thể nhất trí tiến tới cắt giảm sản lượng trong vài ngày, hoặc vài tuần tới, giá dầu cũng khó có khả năng tăng mạnh. Điều này xuất phát từ thực tế nền kinh tế toàn cầu đang chững lại nghiêm trọng trên diện rộng, và cũng một phần là bởi Mỹ - không phải thành viên OPEC và cũng không giống Nga có thể sẵn sàng chấp nhận các quyết định về sản lượng - vẫn liên tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong những năm gần đây. Động thái này khiến thị trường luôn dư thừa dầu mỏ và giữ giá "vàng đen" liên tục ở mức thấp.

Mối đe dọa đối với “trái phiếu rác” của Mỹ

Theo tờ The Telegraph, cùng với việc gây áp lực đối với Nga, động thái tăng sản lượng của Saudi Arabia cũng nhắm tới các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ và cả những công ty dầu khí đang đứng bên bờ vực phá sản. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến các “trái phiếu rác” (junk bond, thuật ngữ chỉ trái phiếu có lợi suất cao đi kèm rủi ro lớn) của Mỹ.

Các công ty năng lượng là những nhà phát hành trái phiếu rác lớn nhất, chiếm hơn 11% thị trường trái phiếu lợi suất cao của Mỹ. Các nhà phát hành trái phiếu này có xếp hạng tín dụng từ BB trở xuống, cho thấy nguy cơ vỡ nợ cao hơn so với các công ty phát hành được xếp hàng “đáng đầu tư” hay xếp hạng BBB trở lên.

Một cuộc chiến giá cả do Saudi Arabia khởi xướng có thể dẫn tới sự lao dốc tồi tệ của trái phiếu năng lượng kể từ khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng và giá dầu giảm mạnh vào cuối năm 2015.

Một mùa Đông ấm áp và nhu cầu toàn cầu giảm cũng đã khiến giá khí đốt tự nhiên đi xuống, làm trầm trọng thêm sự sụt giảm của giá “vàng đen”. Các thị trường trái phiếu đã “đóng cửa” với các đợt phát hành mới của các công ty năng lượng được xếp hạng thấp trong những tuần gần đây, làm cắt đứt một nguồn tài chính bổ sung quan trọng của các công ty này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp năng lượng được xếp hạng đầu tư cao hơn cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Các công ty năng lượng chỉ chiếm hơn 11% thị trường trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng ở mức “đầu tư” với một loạt các công ty xếp hạng BBB, bậc thấp nhất trong nhóm này. Do đó, các công ty này cũng chịu áp lực lớn nếu giá dầu thấp hơn có thể dẫn đến việc hạ mức xếp hạng xuống mức "trái phiếu rác"./.

Mai Ly/BNEWS/TTXVN

Đầu trang