Kinh doanh kiểu chụp giật sẽ sớm phải trả giá
18.11.2019
Người tiêu dùng lo lắng trước tình trạng kinh doanh xăng dầu kém chất lượng trong thời gian dài và xăng dầu lậu vẫn đang chảy qua biên giới Tây Nam.
Ngành xăng dầu không có chỗ cho hàng kém chất lượng
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi rất dễ để cho các gian thương nhập khẩu xăng dầu trôi nổi mang về để kinh doanh. Đây cũng là thị trường cạnh tranh nóng bỏng nhất đối với mặt hàng xăng dầu.
Ông Cao Hoài Dương – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần (PVOIL) khẳng định, PVOIL sẵn sàng cạnh tranh một cách sòng phẳng và ngang ngửa với các đối tượng nhập lậu xăng dầu trong kinh doanh.
Sản phẩm tốt luôn sẽ tồn tại, bền vững với thời gian, hàng kém chất lượng, đối tượng làm ăn “chụp giựt” sẽ cũng bị đào thải theo quy luật.
Ông Cao Hoài Dương – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần (PVOIL). (Ảnh: PVOIL)
Thời gian qua, người tiêu dùng đã thấy, ông Trịnh Sướng sau thời gian dài kinh doanh xăng dầu kém chất lượng cũng đã bị lôi ra ánh sáng.
Ông Cao Hoài Dương phân tích, sau vụ việc này, khách hàng sẽ quan tâm đến chất lượng xăng dầu nhiều hơn. Đối với người nông dân sử dụng máy móc cũ trong nông nghiệp không quan tâm lắm đến chất lượng nhưng sẽ dần thay thay đổi.
Xăng dầu kém chất lượng thải ra môi trường có nồng độ cao ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng và những người xung quanh. Triệt phá đường dây sản xuất xăng dầu kém chất lượng của đại gia Trịnh Sướng đã làm cho ý thức người nông dân thay đổi và tìm đến các cửa hàng xăng dầu có thương hiệu uy tín.
PVOIL đón đầu cơ hội này và nâng tầm hình ảnh doanh nghiệp thông qua đề án nhận diện thương hiệu. Các nhân viên phải mặc đồng phục và tác phong kinh doanh chuyên nghiệp để tạo lòng tin cho khách hàng.
Ở nhiều tuyến đường, chỉ 1 – 2 km nhưng có rất nhiều cây xăng. Người dân sẽ tìm đến cây xăng sạch – đẹp, khang trang, nhân viên phục vụ lịch sự và chuyên nghiệp.
Ông Dương tin tưởng, về lâu dài, người dân sẽ đặt niềm tin ở thương hiệu PVOIL thông qua chiến dịch nhận diện thương hiệu trên. Chiến dịch nhận diện thương hiệu của PVOIL như “cơn mưa dầm thấm lâu” để tạo lòng tin đến với người dân.
PVOIL cam kết bán hàng đủ số lượng. (Ảnh: H.L)
PVOIL đã kiên trì thực hiện theo đề án trên và thực tế đã chứng minh, sản lượng xăng – dầu cho PVOIL phân phối đang tăng lên một cách rõ rệt. Có được điều này là do khách hàng tự cảm nhận và đặt niềm tin ở doanh nghiệp.
Bí quyết của PVOIL là cạnh tranh bằng dịch vụ và tồn tại cũng bằng dịch vụ.
“Đội đặc nhiệm” của PVOIL là cái tâm của doanh nghiệp
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nhà nước đã tăng cường kiểm tra việc xuất hóa đơn chứng từ với những cửa hàng xăng dầu thì sản lượng xuất ra của PVOIL đã tăng lên.
Ông Cao Hoài Dương đánh giá, đây là tín hiệu rất đáng mừng và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất ủng hộ. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm xăng dầu đến tay người tiêu dùng thì thì PVOIL đã có quy trình quản lý chặt chẽ từ giai đoạn đầu là tại nguồn.
PVOIL nhập xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu nên luôn đảm bảo chất lượng và nguồn gốc. Doanh nghiệp còn tổ chức đấu thầu quốc tế và nhập xăng dầu từ các tổ chức lớn trên thế giới.
Nguồn cung ứng xăng dầu cho PVOIL là do chính đơn vị pha chế nên có thể chủ động kiểm soát được chất lượng. Sau khi đưa về các kho chuyên dụng, mỗi lô hàng được đưa ra thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp đều có lưu mẫu để đối chứng. Nếu xảy ra sự cố có thể xác định được sự cố xảy ra từ đâu.
Bước tiếp theo là vấn đề vận chuyển. PVOIL đều có quy định rất chặt chẽ với các đơn vị vận chuyển. Đơn cử như xe bồn đều có lấy mẫu, niêm phong, kẹp chì và gắn các thiết bị GPS trên các xe để tăng cường kiểm soát hành trình.
PVOIL cam kết bán hàng đúng chất lượng. (Ảnh: H.L)
Các cửa hàng xăng dầu có các quy trình khi nhập, khi bán và quy định rất chặt chẽ khi bán hàng. Đặc biệt là gắn trách nhiệm với từng cấp, từng khâu và cho đến từng nhân viên.
PVOIL thiết lập công tác hậu kiểm, đi kiểm tra đột xuất ở từng cây xăng. Các “đội đặc nhiệm” của PVOIL để đi kiểm tra đột xuất ở kho xăng và cây xăng để đảm bảo việc kiểm soát chất lượng bán hàng theo đúg quy trình.
Với tinh thần nâng cao đạo đức trong kinh doanh, tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật, PVOIL tăng cường giáo dục cán bộ, công nhân viên. Việc thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như thế sẽ đảm bảo được thương hiệu xăng dầu PVOIL trên thị trường.
PVOIL cam kết đưa được sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng số lượng đưa đến tay người tiêu dùng.
Đối với các cửa hàng nhượng quyền, PVOIL chỉ chiếm khoảng 70% sản lượng và 30% còn lại là các doanh nghiệp phân phối khác trên thị trường. Ông Dương đánh giá, đây là thực tế mà hiện nay PVOIL vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu.
PVOIL hiện có trên 3.000 cửa hàng đại lý nhượng quyền và mong muốn ngày càng phát triển hơn nữa. Quyết tâm tăng số lượng các cửa hàng nhưng với những cửa hàng không nghiêm túc trong kinh doanh, có hành vi gian lận chất lượng sản thì PVOIL sẽ cắt hợp đồng.
Sự ràng buộc giữa PVOIL với các cây xăng đại lý chỉ là ràng buộc về hợp đồng kinh tế. PVOIL không phải là cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng thanh tra, giám sát, kiểm tra.
PVOIL chỉ có biện pháp duy nhất là, nếu các cây xăng vi phạm hợp đồng thì cắt hợp đồng. Bởi lẽ, nếu các cây xăng đại lý không nhập hàng của PVOIL thì quay sang nhập hàng của đơn vị khác.
PVOIL chỉ mong được các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và có các chế tài nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp vi phạm. Để thực hiện được điều này thì cần đến sự phối hợp đồng bộ trong quản lý nhà nước với các doanh nghiệp.
Ông Cao Hoài Dương đúc kết vấn đề, trên hết đây cũng là xuất phát từ cái tâm của các doanh nghiệp trong kinh doanh.
Hưng Long