IEA: Virus corona khiến triển vọng tăng trưởng dầu xuống thấp nhất một thập kỉ, và có thể còn thấp hơn nữa
26.02.2020
Triển vọng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đối với tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỉ, và có thể suy yếu hơn nữa vì tác động của sự bùng phát virus corona (SARS-CoV-2).
Trao đổi với Reuters tại một hội nghị năng lượng tại London (Anh) hôm 25/2, ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết: "Chúng tôi thấy tăng trưởng nhu cầu dầu ở mức thấp nhất trong 10 năm qua và chúng tôi có thể cần điều chỉnh giảm tăng trưởng nhu cầu".
Với sự bùng phát của virus SARS-CoV-2, trong tháng 2, IEA dự báo nhu cầu giảm 435.000 thùng/ngày trong quí I/2020, đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên theo quí kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Đối với cả năm 2020, IEA đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu 365.000 thùng/ngày xuống 825.000 thùng/ngày.
Về tác động của sự lây lan virus corona mới đối với thị trường dầu, cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi cho biết ông tự tin OPEC và các đối tác, còn được gọi là nhóm OPEC+, sẽ phản ứng một cách có trách nhiệm.
Ông cũng cho hay Arab Saudi và Nga sẽ tiếp tục tham gia vào chính sách giảm sản lượng dầu.
Trong tháng 2, hội đồng OPEC+ khuyến nghị tổ chức giảm thêm 600.000 thùng dầu/ngày. Arab Saudi ủng hộ việc giảm sản xuất sâu hơn, nhưng Nga vẫn chưa công bố quyết định cuối cùng.
Bộ trưởng vẫn đang đàm phán với Moscow và ông tự tin về mối quan hệ đối tác của Riyadh với các quốc gia thành viên còn lại trong OPEC+.
Dịch do virus SARS-CoV-2, bùng phát lần đầu tại Trung Quốc, đã lan sang hơn 20 quốc gia, trong đó có Iran - một thành viên của OPEC.
Hôm 25/2, Bộ Y tế Iran đã xác nhận 15 ca tử vong vì virus, con số lớn nhất đối với các quốc gia có dịch bệnh bùng phát bên ngoài Trung Quốc. Iran cũng cho biết hiện có 95 trường hợp nhiễm bệnh, và ông Iraj Harirchi - Thứ trưởng Bộ Y tế Iran - cũng đã dương tính với virus sau khi hạ thấp mối lo ngại về dịch bệnh chỉ vài ngày trước đó.
Theo Bloomberg, sự lây lan của virus từ Italy tới Iran dấy lên lo ngại về một đại dịch, với số ca nhiễm bệnh trên thế giới vượt 80.000.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 50,22 USD/thùng, tăng 0,64% vào lúc 8h00 ngày 26/2, trong khi giá dầu Brent giảm 0,07% xuống 54,3 USD/thùng.
Lyly Cao
Theo Kinh tế & Tiêu dùng