IEA cập nhật dự báo về sự phát triển của thị trường dầu mỏ
31.03.2021
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố báo cáo dầu mỏ thường niên. Dự kiến mức tiêu thụ dầu sẽ tăng từ nay đến năm 2026 nếu các chính sách khử carbon không được tăng cường vào những năm tới. Vấn đề này hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa chắc chắn.
Viễn cảnh tiêu thụ có xu hướng tăng từ nay đến năm 2026
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch covid 19 bùng nổ, thị trường tiêu thụ dầu toàn cầu trải qua một đợt sụt giảm lịch sử: 91 triệu thùng/ngày, ít hơn năm 2019 khoảng 9% (99,7 triệu thùng/ngày). Giám đốc điều hành IEA Faith Birol cho biết tình trạng này cũng “khó kéo dài». Mức tiêu thụ toàn cầu đã tăng lên 94,7 triệu thùng/ngày trong quý cuối cùng của năm 2020 (so với 82,9 triệu thùng/ngày trong quý 2 cùng năm).
Theo dự đoán của IEA (phản ánh các chính sách công bố hiện tại), thị trường tiêu thụ dầu thế giới mỗi năm dự kiến tăng đến 2026, có thể đạt 104 triệu thùng/ngày, tương đương tăng hơn 4% so với năm 2019, trước đại dịch Covid -19 (nhu cầu dầu hằng năm trên thế giới sẽ vượt mức năm 2019 vào năm 2023).
Mặc dù dự đoán được mức tăng trưởng, IEA vẫn nhấn mạnh rằng, đại dịch toàn cầu sẽ ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị trường tiêu thụ dầu trên thế giới (trong trường hợp không có “sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi năng lượng”). Trong báo cáo đầu năm 2021, nhu cầu tiêu thụ dự kiến vào năm 2025 là 2,5 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức IEA đưa ra trong báo cáo thường niên trước đó.
Theo kịch bản dự thảo của IEA, chỉ riêng Châu Á đã chiếm 90% mức nhu cầu dầu tăng trên thế giới từ năm 2019 đến năm 2026. Ở nhiều nền “kinh tế tiên tiến”, mức tiêu thụ này có thể “không bao giờ phục hồi lại được như mức trước khủng hoảng».
Viễn cảnh thay thế: thị trường tiêu thụ dầu giảm dưới mức trước khi xảy ra đại dịch
Theo IEA, nhờ có các chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng carbon thấp trên toàn thế giới, nhu cầu tiêu thụ dầu khi đó “có thể đạt đỉnh sớm hơn”. Bằng cách dự đoán tiến độ nhanh hơn, nhất là với các tiêu chuẩn hiệu quả hoá năng lượng hoặc tốc độ phát triển xe điện (kết hợp tăng cường làm việc từ xa và giảm việc đi công tác), IEA ước tính nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2026 có thể giảm 5,6 triệu thùng/ngày so với “kịch bản” cơ sở đưa ra trước đó (tương đương 98,5 triệu thùng dầu/ngày). Nói cách khác, tiêu dùng toàn cầu “sẽ không bao giờ trở lại mức đã đạt được trước đại dịch”.
IEA khẳng định ngành công nghiệp hóa dầu sẽ đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của nhu cầu dầu trên thế giới: gần 70% mức tăng tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ vào năm 2026 có thể đến từ khí etan, LPG và naphtha (kịch bản tham khảo).
IEA cũng thận trọng trong các dự báo của mình đối với ngành hàng không - lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch: tiêu thụ nhiên liệu nên “dần trở lại mức trước khủng hoảng” nhưng các thói quen mới (đặc biệt là việc tăng các hội nghị trực tuyến và sự suy giảm trong du lịch giải trí) có thể "thay đổi vĩnh viễn xu hướng du lịch".
Sự “thay đổi căn bản” từ phía nhà cung cấp
Về phương diện cung ứng dầu, IEA cũng nhắc lại những “điều không chắc chắn» trong dự báo của mình. Theo kịch bản tham khảo của Cơ quan này, sản lượng dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 10,2 triệu thùng/ngày năm 2026 để đáp ứng sự phục hồi sức tiêu thụ.
Một nửa mức tăng trưởng sản lượng dầu đến từ Trung Đông – nơi tạo nên “sự thay đổi căn bản so với những năm vừa qua”. Thời gian này, Mỹ đóng vai trò chủ đạo, trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhờ khai thác dầu phi truyền thống (dầu đá phiến). Sản lượng dầu của Mỹ chắc chắn sẽ có tiến triển trong những năm tới (+1,6 triệu thùng/ngày năm 2026 so với Ả Rập Xê Út +1,5 triệu thùng/ngày). Tuy nhiên, IEA cho rằng “khó đảm bảo tốc độ tăng trưởng của quốc gia này cũng sẽ phát triển hơn những năm trở lại đây”.
Nh.Thạch
AFP