Giữ ngọn lửa Dầu khí mãi rực sáng
29.11.2021
/01 MỘT SỐ THÀNH TỰU NỔI BẬT |
Sơ khai từ Đoàn Địa chất dầu lửa 36 đến nay đã 60 năm và trải qua các giai đoạn phát triển của Tổng cục Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), ngành Dầu khí Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Đến nay, ngành Dầu khí đã xây dựng và phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh từ khâu thăm dò, khai thác, đến vận chuyển, tồn trữ, xử lý và chế biến dầu khí (lọc hóa dầu), tổ chức phân phối các sản phẩm dầu khí và hóa dầu, năng lượng dầu khí, dịch vụ kỹ thuật - công nghệ cao, thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, với trên 30 mỏ được phát triển, gia tăng gần 1 tỉ tấn trữ lượng dầu khí thu hồi, khai thác gần 450 triệu tấn dầu và gần 200 tỉ m3 khí, 15 triệu tấn LPG và condensate, cung cấp khối lượng quan trọng các sản phẩm chế biến dầu khí, nguyên liệu cho lĩnh vực năng lượng, phân bón cho nông nghiệp... Tổng doanh thu toàn Petrovietnam trong gần 20 năm trở lại đây trên 160 tỉ USD, luôn tăng trưởng cao gần 20%/năm. Đến nay, Petrovietnam đã tạo được nguồn vốn chủ sở hữu gần 440 nghìn tỉ đồng, tổng tài sản tới 760 nghìn tỉ đồng. Petrovietnam nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) lớn, có thời kỳ tới 20-25% tổng thu NSNN. Petrovietnam đã tích lũy được nguồn lực mạnh và chất lượng cao cả về vốn, thiết bị công nghệ, đặc biệt nguồn nhân lực khoa học công nghệ có trình độ và công nhân lành nghề, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong điều hành và quản lý các hoạt động dầu khí an toàn, hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế; có nhiều công trình khoa học và ứng dụng công nghệ giá trị lớn, có công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước... Petrovietnam đã xây dựng được cơ sở dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, tiếp cận trình độ quốc tế, để hỗ trợ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển quy mô và tầm cỡ khu vực; chế tạo và xây lắp các giàn khoan, các công trình khai thác ngoài biển đến hơn 100m nước sâu được cấp chứng chỉ quốc tế. Petrovietnam cũng là doanh nghiệp nòng cốt trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước; Cà Mau, Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hóa)...; đóng góp cho sự ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu, đạm, điện, khí, LPG...; Petrovietnam tích cực tham gia bảo vệ, khẳng định chủ quyền vùng thềm lục địa và vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam. Có thể khẳng định, Petrovietnam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ, chiều rộng cũng như chiều sâu, từ trong nước vươn ra nước ngoài, nâng cao vị thế trong khu vực và quốc tế; xây dựng “Văn hóa Dầu khí” và “Thương hiệu Petrovietnam” có uy tín trên thị trường nội địa và quốc tế... |
/02 THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI |
Sau 35 năm khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên ngày 26-6-1986, nhiều mỏ dầu truyền thống chủ lực đóng góp sản lượng quan trọng cho Petrovietnam như Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, Cá Ngừ Vàng, Lan Tây cung cấp gần 600 triệu tấn dầu khí quy đổi (Toe) đã qua giai đoạn khai thác đỉnh. Sản lượng khai thác hiện nay suy giảm, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai (tận thu hồi dầu), trong khi các mỏ mới được đưa vào khai thác chậm do thiếu vốn, vướng mắc các thủ tục đầu tư, rất khó khăn để duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, mở rộng thăm dò. Các mỏ dầu mới thường có trữ lượng nhỏ, cận biên kinh tế, mỏ phi truyền thống, thời gian khai thác ngắn, cần có giải pháp và cách tiếp cận linh hoạt, giao quyền nhiều hơn cho Petrovietnam, đặc biệt trong quyết định đầu tư và hình thức đầu tư. Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí hiện tập trung ở vùng biển nông khoảng 200 mét nước sâu. Để gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng lâu dài cần phải tiến ra vùng biển xa bờ, nước sâu đến trên 1.000 mét, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhân lực có trình độ kỹ thuật và công nghệ cao. Hơn nữa, đây là vùng biển nhiều rủi ro với thăm dò và phát triển mỏ, vì thế cần có những khuyến khích tốt hơn, cơ chế thuận lợi hơn, để các nhà đầu tư nhanh chóng phát triển dự án. |
Petrovietnam đã phát triển đồng bộ, toàn diện công nghiệp khí từ khai thác, vận chuyển, tồn trữ, xử lý, phân phối, chế biến nhiều sản phẩm mới. Những phát hiện khí trữ lượng cực lớn gần đây là cơ sở để xem khí thiên nhiên là tài nguyên hydrocarbon tiềm năng, năng lượng sạch của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Đặc điểm của các mỏ khí là độ chứa khí nhà kính CO2 cao, phân bố không đều giữa các mỏ và trong nội bộ từng mỏ với hàm lượng dao động từ vài % đến 50-60%. Yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm cho sự thành công của ngành công nghiệp khí là tính đồng bộ về thời gian, kế hoạch, trình tự hoàn thành các khâu. Hiệu quả toàn dự án là hiệu quả chuỗi, tích hợp từ khâu khai thác đến phân phối và hộ tiêu thụ cuối cùng. Sự chậm trễ và tính không đồng bộ, thiếu sự chỉ đạo quyết đoán từ cơ quan quản lý Nhà nước sẽ làm mất yếu tố thời cơ, gây thiệt hại không đáng có. Vướng mắc của những công trình khí là giá mua - bán khí và sự chậm trễ hình thành hộ tiêu thụ. Đáng chú ý, các cơ chế chính sách cho ngành Dầu khí chưa kịp thời thay đổi, có nhiều quy định trong các luật chi phối hoạt động dầu khí như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng cơ bản xung đột với Hợp đồng khung dầu khí, Luật Dầu khí, thông lệ quốc tế về dầu khí, không phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, biến động của dầu khí thế giới, khu vực, hiện trạng tài nguyên dầu khí và an ninh năng lượng quốc gia; không hỗ trợ để các doanh nghiệp dầu khí tăng sức cạnh tranh, đầu tư đổi mới công nghệ, nhanh chóng ứng dụng các thành quả của CMCN 4.0, tăng sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài... |
/03 XU THẾ CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG |
Sự chuyển dịch quan trọng, cấp bách mà Petrovietnam phải đối mặt là sự chuyển dịch trong cơ cấu năng lượng gốc hydrocarbon, từ dầu sang khí. Đó là yêu cầu thực tế xuất phát từ tiềm năng tài nguyên khí thiên nhiên, suy giảm nhanh sản lượng dầu. Khí thiên nhiên được xem là dạng năng lượng sạch sử dụng hiệu quả cho điện, là nguồn nguyên liệu cho hóa dầu và nhiều ngành công nghiệp khác, ít phát thải khí nhà kính. Với tính ưu việt đó, nên khí thiên nhiên tất yếu sẽ là nguồn nguyên liệu/năng lượng tương lai thay thế dần dầu và than. Chuyển đổi cơ cấu tài nguyên từ “dầu” sang “khí thiên nhiên”, xây dựng và phát triển công nghệ thăm dò và khai thác các mỏ khí thiên nhiên, xử lý khí giàu CO2 tạo thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng và hiệu quả sử dụng cao hơn là mô hình phát triển bền vững và lâu dài của Petrovietnam. |
Vì thế, Petrovietnam cần điều chỉnh chiến lược phát triển công nghiệp khí và xây dựng tổng quy hoạch công nghiệp khí hợp lý cho từng giai đoạn phát triển, bao gồm từ công nghệ khai thác hiệu quả các vỉa/mỏ khí nhiều CO2, tận dụng tạo thêm giá trị gia tăng; xây dựng mạng lưới đường ống, cảng biển và các khu công nghiệp khí phù hợp với quy hoạch kinh tế vùng, sơ đồ mạng lưới điện quốc gia; xây dựng chiến lược thị trường khí và sản phẩm khí với tầm nhìn kết hợp với nhập khí hóa lỏng LNG. Do đòi hỏi khách quan của CMCN 4.0, sự biến đổi khí hậu và tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường liên quan chặt chẽ với ngành công nghiệp dầu khí, nên trong tương lai, các công ty dầu phải đối mặt với yêu cầu đa dạng hóa nguồn năng lượng, khai thác nguồn năng lượng mới hiệu quả, sạch hơn và thỏa mãn người tiêu dùng hơn, hạn chế tối đa phát thải khí CO2. Vì thế, ngay từ bây giờ, Petrovietnam cần có chương trình nghiên cứu, quy hoạch tổng thể, từng bước phát triển nguồn năng lượng “phi khoáng”, tái sinh, thân thiện với môi trường, đặc biệt hạn chế phát thải CO2. Các dạng năng lượng tái tạo mà ngành Dầu khí có thể ưu tiên xem xét phát triển dựa trên năng lực của mình là năng lượng gió và năng lượng hydro. Năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch có tiềm năng lớn và sẽ là một trong những nguồn năng lượng quan trọng trong thập niên tới, cần sớm được đầu tư. Năng lượng gió chủ yếu dùng để sản xuất điện với nhiều lợi thế do đầu tư ban đầu thấp. Theo thống kê năm 2018 của Tổ chức Equal-Ocean, điện gió phát triển mạnh nhất ở Trung Quốc với tổng công suất 211.392 MW, dẫn đầu thế giới; EU 178.526 MW, Mỹ 96.625 MW. Theo Ủy ban KH&CN Trung Quốc, công suất điện gió Trung Quốc sẽ tăng lên 400 GW vào năm 2030 và 1.000 GW năm 2050. |
|
Điện gió được xây dựng trong đất liền và ngoài biển. Điện gió ngoài biển và hải đảo không ảnh hưởng đến diện tích đất và môi trường sinh thái như ở đất liền. Những công trình điện gió ngoài biển có thể sử dụng đa mục tiêu. Điện gió là lĩnh vực cần nhận được sự quan tâm ưu tiên và hỗ trợ từ Chính phủ. Nhược điểm của điện gió là cường độ gió biến động không phù hợp với mức tiêu thụ điện trong ngày và theo mùa, khó khăn cho tích trữ điện năng, vì thế cần gắn với mạng lưới điện quốc gia. Với tiềm lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình biển, Chính phủ cần giao và hỗ trợ ngành Dầu khí phát triển hoàn chỉnh công nghiệp điện gió từ xây lắp, sữa chửa, bảo dưỡng và chế tạo phụ tùng thay thế. Hydro cũng là nguồn năng lượng sạch của tương lai dựa trên nguồn nguyên liệu khí thiên nhiên, nhưng chưa có công nghệ hiệu quả và thị trường tiêu thụ. Petrovietnam cần có chương trình nghiên cứu phát triển dạng năng lượng hydro, trước tiên là xây dựng chiến lược thị trường sử dụng năng lượng hydro. Ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua thời gian 60 năm phát triển với những thăng trầm, khủng hoảng lòng tin, có lúc tưởng chừng khó vượt qua. Ví như thời kỳ trước khi phát hiện và khai thác tấn dầu trong tầng chứa móng nứt nẻ, có người ví “giàn MSP-2 bỏ trơ giữa biển như Từ Hải chết đứng giữa Biển Đông” và khuyên nên trung thực báo cáo Nhà nước đừng tiếp tục “ném tiền qua cửa sổ” ở Vietsovpetro; một số lãnh đạo đề án Vietsovpetro bị kỷ luật... Hoặc, sự khủng hoảng niềm tin khi xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất... Đặc biệt, sự mất mát về cán bộ lãnh đạo và kỹ thuật giàu kinh nghiệm của Petrovietnam những năm sau 2015 với những dự án đầu tư có phần nóng vội, quản lý thiếu chặt chẽ, gây những thiệt hại kinh tế không đáng có... Đó là những “vết khứa” đau buồn trong quá khứ. Nhưng lịch sử phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam được đánh giá là chuỗi các thành công, thắng lợi và cống hiến của nhiều thế hệ, đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước và khoa học công nghệ dầu khí, cần được trân trọng và tự hào. Thay mặt cho những người dầu khí hiện nay, xin gửi lời tri ân đến những nhà lãnh đạo tiền bối của ngành Dầu khí đã đặt nền móng vững chắc: cố Bộ trưởng Đinh Đức Thiện, cố Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên, Nguyễn Hòa, các Tổng cục phó Phan Tử Quang, Phạm Văn Diêu, Đặng Quốc Tuyển, Chu Đỗ, các nhà khoa học Trương Thiên, Hồ Đắc Hoài, Nguyễn Quang Hạp, Nguyễn Ngọc Cư... và nhiều nhà lãnh đạo khác đã ra đi chưa kịp thấy thành tựu lớn lao của ngành Dầu khí. Những người đi tìm lửa hôm nay và thế hệ tiếp sau sẽ giữ cho ngọn lửa dầu khí Pertrovietnam mãi rực sáng giữa Biển Đông và trong trái tim mỗi người dầu khí . |