Giá xăng dầu hôm nay 10/1: Xác lập chu kỳ tăng giá mạnh
11.01.2021
Thị trường dầu thô đang được ủng hộ bởi rất nhiều nhân tố tích cực, ở cả 2 phía cung và cầu, qua đó giúp giá xăng dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng tăng mạnh.
Đà tăng của giá dầu thế giới đã bắt đầu từ những phiên giao dịch cuối tuần trước khi triển vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, lên cao.
Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2020 ghi nhận nhiều những gam màu sáng. Vắc-xin Covid-19 được triển khai trên diện rộng tại nhiều quốc gia; kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, vượt dự báo; các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế tiếp tục dược triển khai tại nhiều quốc gia; thoả thuận thương mại hậu Brexit được thống nhất, đảm bảo cho thương mại Anh và EU tiếp tục được duy trì...
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi thông tin sản lượng dầu thô và nhiên liệu lỏng toàn cầu giảm. Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu và nhiên liệu lỏng thế giới đã giảm mạnh từ mức 100,61 triệu thùng/ngày năm 2019 xuống còn 94,25 triệu thùng/ngày năm 2020, và dự kiến sẽ ở mức 97,25 triệu thùng/ngày vào năm 2021.
Ảnh minh hoạ
Đỉnh điểm của chu kỳ tăng giá của dầu thô được ghi nhận vào phiên giao dịch ngày 6/1 khi tăng đồng loạt tới gần 3 USD/thùng.
Cụ thể, tính đến đầu giờ sáng ngày 6/1, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2021 đứng ở mức 49,88 USD/thùng, trong khi đó giá dầu Brent giao tháng 3/2021 đứng ở mức 53,56 USD/thùng.
Giá dầu ngày 6/1 tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ghi nhận loạt dữ liệu lạc quan về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại hồi sinh.
Theo một cuộc khảo sát với giám đốc mua hàng tại các nhà máy trên khắp châu Á và châu Âu được công bố hôm 4/1 đã ghi nhận sự tăng mạnh của hoạt động sản xuất trong tháng 12. Thậm chí, tại Đài Loan, lĩnh vực sản xuất có tháng cao mạnh nhất trong gần một thập kỷ. Kết quả của một cuộc khảo sát tương tự sắp công bố tại Mỹ cũng dự kiến chỉ ra sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động này.
IHS Markit cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của khu vực đồng euro đã tăng lên 55,2 trong tháng 12, từ mức 53,8 trong tháng 11, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Chỉ số trên 50 phản ánh hoạt động đang tăng trưởng trong khi dưới 50 báo hiệu sự suy giảm.
Nhật Bản, một nhà xuất khẩu hàng sản xuất hàng đầu khác, đã chứng kiến chỉ số PMI tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2019. Trong khi đó, các nhà máy của Hàn Quốc báo cáo hoạt động tăng trưởng mạnh mẽ tương đương tháng 11.
Giá dầu ngày 6/1 còn được thúc đẩy bởi tâm lý hưng phấn của giới đầu trên thị trường chứng khoán với kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ sớm phục hồi khi nhiều quốc gia đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng thời dịch Covid-19 sẽ sớm qua đỉnh tại một số nước châu Âu khi mùa Đông qua đi.
Đà tăng của giá dầu tiếp tục được củng cố trong những phiên giao dịch cuối tuần khi Saudi Arabia tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3/2021 nhằm hỗ trợ giá dầu.
Cụ thể, Saudi Arabia đồng ý cắt giảm bổ sung 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3/2021. Động thái này của Saudi Arabia nhằm thuyết phục các nước thành viên trong khối giữ ổn định sản lượng như hiện nay, trong bối cảnh một số nước thành viên OPEC+, trong đó có Nga đòi tăng sản lượng.
Ở diễn biến khác, OPEC+ cũng đồng ý cho Nga tăng sản lượng 65 ngàn thùng/ngày trong tháng 2/2021 lên 9,184 triệu thùng/ngày và tiếp tục tăng thêm 65 ngàn thùng/ngày vào tháng 3/2021 lên 9,249 triệu thùng/ngày; đồng chí cho Kazakhstan tăng sản lượng thêm 10 ngàn thùng/ngày vào tháng 2/2021 lên 1,427 triệu thùng/ngày và thêm 10 ngàn thùng/ngày vào tháng 3/2021 lên 1,437 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, giá dầu thế giới tuần qua cũng được hỗ trợ bởi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần tính đến ngày 1/1/2021 giảm mạnh. Theo thông tin được Viện Dầu mỏ Mỹ phát đi ngày 5/1, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần tính đến ngày 1/1/2021 đã giảm 1,7 triệu thùng, xuống còn 491,3 triệu thùng.
Tại Mỹ, số giàn khoan dầu hoạt động tăng tuần thứ 7 liên tiếp trong tuần này, thêm 275 giàn, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5 - theo dữ liệu của công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes.
Chốt tuần giao dịch, giá dầu ngày 10/1 ghi nhận trên sàn New York Mercantile Exchanghe như sau: Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2021 đứng ở mức 52,73 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2021 đứng ở mức 56,24 USD/thùng, mức cao nhất trong 12 tháng trở lại đây.
Giá dầu hôm nay tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh giới đầu tư đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới.
Những lo ngại về trạng thái bất ổn của nước Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống 2020 đã lắng xuống khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cam kết sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực, đồng thời kêu gọi sự “hàn gắn và hoà hợp”.
Việc ông Joe Biden được tuyên bố đắc cử đã làm tăng khả năng nước Mỹ sẽ có thêm các gói hỗ trợ cũng như chính sách nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thế giới cũng đang chịu không ít rủi ro.
Vắc-xin Covid-19 được triển khai nhưng liệu có thể ngăn chặn được dịch bệnh hay không thì vẫn chưa thể khẳng định. Trong khi dịch Covid-19 lại đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn tại nhiều quốc gia và xuất hiện biến thể mới.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt dự báo nhưng chủ yếu do nền kinh tế nhận được một nguồn tiền khổng lồ thông qua các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế và lãi suất đồng USD thấp. Rủi ro ở đây là nó sẽ kéo theo vấn đề nợ của nền kinh tế Mỹ, cả nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp, nợ người, đều tăng cao và đặt nền kinh tế số 1 thế giới trước nguy cơ khủng hoảng nợ. Câu chuyện tương tự cũng đang được ghi nhận tại một loạt các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Ý...
Một số nền kinh tế khác như Trung Quốc cũng đang phải đối diện với nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại tại nhiều khu vực của nền kinh tế.
Tình hình địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xung đột hiện hữu; căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ kéo dài…
Tại thị trường trong nước, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 có giá không cao hơn 15.518 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 16.479 đồng/ lít; giá dầu diesel có giá không cao hơn 12.376 đồng/lít; giá dầu hoả không cao hơn 11.188 đồng/lít; giá dầu madut không cao hơn 12.272 đồng/lít.
Hà Lê
Nguồn: petrotimes.vn