Giá dầu WTI tuần qua giảm hơn 3%
12.04.2021
Thị trường dầu mỏ tuần qua diễn biến ảm đạm do quan ngại về nguồn cung dôi dư và nhu cầu suy yếu đã gây áp lực lên giá "vàng đen" thế giới.
Giá dầu thế giới giảm hơn 4% trong phiên giao dịch 5/4, trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ tăng sản lượng khai thác.
Bên cạnh đó, mối đe dọa của một làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 mới làm lu mờ các dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ.
Sang phiên tiếp theo (6/4), giá dầu thế giới tăng 1% nhờ các số liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc và Mỹ, qua đó bù đắp một số mức giảm giá sâu của phiên đầu tuần. Các báo cáo mới nhất cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ đã chạm mức cao kỷ lục trong tháng Ba.
Trong cùng giai đoạn, lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc cũng mở rộng mạnh mẽ với doanh số bán hàng tăng nhanh nhất trong ba tháng qua.
Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên 7/4, song đà tăng gặp nhiều lực cản. Cụ thể là lượng xăng dự trữ của Mỹ tăng mạnh và những lo ngại rằng các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới sẽ cản trở đà phục hồi nhu cầu năng lượng.
Sang phiên 8/4, thị trường ít biến động. Theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA ở New York, giá dầu thô đang vật lộn để tìm hướng đi khi áp lực từ đại dịch COVID-19 trong ngắn hạn bị hạn chế bởi đồng USD yếu.
Đến phiên cuối tuần 9/4, quan ngại về nguồn cung dôi dư và nhu cầu suy yếu tiếp tục gây sức ép lên giá dầu thế giới, trong bối cảnh các ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, Brazil và Ấn Độ.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 25 xu Mỹ, hay 0,4% xuống 62,95 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) hạ 28 xu Mỹ, hay 0,5% và đóng phiên ở mức 59,32 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,9% và giá dầu WTI mất 3,5%.
Stephen Innes, giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại công ty tư vấn Axi, cho rằng việc nguồn cung của OPEC+ quay trở lại thị trường trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng vọt sẽ tiếp tục kìm hãm đà tăng giá dầu.
Nhà phân tích Warren Patterson của ngân hàng ING nói diễn biến này làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi trong nhu cầu năng lượng. Vì trong hiện tại, một phần lớn lòng tin trên thị trường dựa trên giả định rằng nhu cầu dầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.
Theo Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 ở các quốc gia đông dân như Ấn Độ và Brazil sẽ tăng khả năng các nước áp dụng biện pháp phong tỏa để phòng dịch, làm hạn chế tiêu thụ nhiên liệu.
Bà nhận định rằng, các biện pháp trên tiếp tục là lực cản đối với giá dầu và sẽ mất một thời gian để có thể triển khai tiêm chủng cho đủ số người dân và cho phép các hoạt động kinh tế và du lịch mở cửa trở lại.
Mặc dù vậy, bà Dickson nhấn mạnh, Rystad Energy vẫn lạc quan về triển vọng chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 và nhu cầu dầu vào mùa Hè sẽ tăng, giá dầu Brent có khả năng tiến lên mức 66 USD/thùng trong quý III.
Trước đó, chuyên gia này cũng nhận định rằng, dù OPEC+ đã đi ngược lại hầu hết kỳ vọng của nhà đầu tư và giới quan sát, thị trường hiện đang báo hiệu rằng họ chấp nhận động thái đó và sẵn sàng hưởng lợi từ sự ổn định.
Theo thỏa thuận đạt được ngày 1/4, OPEC+ sẽ tăng sản lượng khai thác hàng tháng trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7/2021, điều này đồng nghĩa với việc OPEC+ sẽ chỉ cắt giảm hơn 6,5 triệu thùng dầu/ngày từ tháng Năm, so với mức cắt giảm 7 triệu thùng/ngày trước đó và Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, thành viên OPEC là Iran được miễn thực hiện việc cắt giảm tự nguyện, cũng sẽ tăng cường nguồn cung ứng “vàng đen”./.
https://bnews.vn/