Giá dầu thế giới tuần qua giảm trước diễn biến đáng ngại của đại dịch

26.04.2021

00:00/00:00

Giá dầu thế giới tuần qua đi xuống trong bối cảnh tình trạng các trường hợp lây nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ và Nhật Bản gia tăng mạnh khiến thị trường lo ngại về triển vọng nhu cầu của dầu mỏ.


Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác dầu ở Basra, Iraq. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong phiên đầu tuần 19/4, giá dầu thế giới đi lên trong bối cảnh đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, đà tăng đã bị hạn chế bởi những lo ngại về số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng tại Ấn Độ, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới.

Xu hướng giảm giá nối dài trong hai phiên liên tiếp 20 và 21/4, do lo ngại rằng Ấn Độ có thể áp đặt các lệnh phong tỏa làm giảm nhu cầu nhiên liệu ở nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới này.

Giá dầu thế giới hầu như không thay đổi trong phiên ngày 22/4 khi thông tin cho thấy sản lượng dầu thô ở Libya thấp hơn bù đắp phần nào cho dự báo rằng số ca mắc COVID-19 mới gia tăng ở Ấn Độ và Nhật Bản sẽ khiến nhu cầu năng lượng giảm.

Sang đến phiên cuối tuần, các chỉ dấu cho thấy nhu cầu dầu tăng tích cực ở phương Tây đã góp phần hỗ trợ đà tăng giá dầu. Trong bốn tuần qua, nhu cầu tiêu thụ xăng của Mỹ đạt trung bình 8,9 triệu thùng/ngày, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu trong nước ghi nhận xu hướng phục hồi mạnh khi mùa du lịch Hè bắt đầu.


Tại châu Âu, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng Tư có kết quả vượt ngoài kỳ vọng, đây cũng là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu “vàng đen” đang tăng lên.

Khép phiên 23/4, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 71 xu Mỹ (1,1%) lên 66,11 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 71 xu Mỹ (1,2%) lên 62,14 USD/thùng.


So với tuần trước, giá dầu WTI giảm 1,7%, trong khi giá dầu Brent cũng hạ 1%.

Theo bà Paola Rodriguez-Masiu, Phó Chủ tịch phụ trách thị trường dầu mỏ của công ty tư vấn Rystad Energy, thị trường đang quan sát những yếu tố sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhu cầu dầu mỏ, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới ở Ấn Độ và Nhật Bản đang tăng nhanh nhưng nhu cầu lại phục hồi ở Mỹ và châu Âu.

Cũng cần lưu ý rằng, giá của hai loại dầu chủ chốt này hiện nay đã tăng hơn 27% so với thời điểm đầu năm.

Tariq Zahir, nhà quản lý của Tyche Capital Advisors, cho biết mức giảm giá dầu trong tuần qua chủ yếu là do dịch COVID-19 ở Ấn Độ diễn biến nghiêm trọng và trong tương lai, các diễn biến trên thị trường sắp tới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố nhu cầu.

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 23/4 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 332.730 ca mắc mới COVID-19 và 2.263 ca tử vong. Cả hai con số này đều là những con số ghi nhận theo ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Ấn Độ. Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ đến nay đã lên tới 16.263.695 ca, trong khi số ca tử vong lên tới 186.920 ca.

Thủ đô New Delhi đã ra lệnh phong tỏa trong sáu ngày, cùng với 13 bang khác trên khắp Ấn Độ quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế, giới nghiêm hoặc phong tỏa. Tại Nhật Bản, ngày 23/4, Chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 vì dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và hai tỉnh phía Tây gồm Osaka và Hyogo.

Sau Trung Quốc và Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản lần lượt là các nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 và thứ 4 trên thế giới.

Michael Tran, nhà phân tích tại RBC Capital Markets, cho biết việc đại dịch COVID-19 bùng phát tại Ấn Độ vẫn là một trong những rủi ro chính trong ngắn hạn. Chuyên gia này nhận định, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ưu tiên các hoạt động kinh tế và kêu gọi chính quyền địa phương sử dụng biện pháp đóng cửa chỉ như phương án cuối cùng. Tuy nhiên, việc hạn chế đi lại chắc chắn sẽ khiến tiêu thụ dầu mỏ trên thị trường sụt giảm, gây áp lực lên biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu (và có thể là nhu cầu dầu thô trong tương lai), đặc biệt là khi xuất khẩu xăng của Trung Quốc đang gần mức cao nhất từ trước đến nay.

Liên quan đến nhu cầu dầu mỏ ở Mỹ và châu Âu có thể phục hồi mạnh vào mùa Hè này, các chuyên gia cho rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước sản xuất dầu khác, hay còn được gọi là nhóm OPEC+, có thể sẽ tăng nguồn cung vượt xa mục tiêu hiện tại vào tháng 7/2021. Trước đó, tại cuộc họp vào đầu tháng Tư, nhóm đã quyết định tăng sản lượng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong ba tháng từ tháng 5-7/2021. OPEC+ dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 28/4.


Theo Tariq Zahir, nhà quản lý của Tyche Capital Advisors, Saudi Arabia có thể giảm dần quy mô chương trình cắt giảm sản lượng và có khả năng dầu của Iran quay trở lại thị trường. Tehran và các cường quốc trên thế giới đã đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán nhằm “cứu” thỏa thuận hạt nhân năm 2015, mà nếu thành công, các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ được dỡ bỏ và sản lượng dầu của nước này sẽ gia tăng./.

Nguồn: bnews.vn

Đầu trang