Giá dầu thế giới trái chiều trước lo ngại thiếu hụt kho lưu trữ toàn cầu
29.04.2020
Giá dầu Brent tăng trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt nhẹ trong phiên giao dịch ngày 28/4 khi giới đầu tư lo ngại về công suất các kho chứa dầu trên thế giới.
Thị trường dầu mỏ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch này giữa bối cảnh những quan ngại thiếu hụt các kho lưu trữ dầu trên thế giới lấn át nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 78 xu Mỹ, tương đương 4%, lên mức 20,77 USD/thùng sau khi giảm sâu 6,8% trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 46 xu Mỹ, khoảng 4%, xuống còn 12,32 USD/thùng. Giá mặt hàng này đã lao dốc 25% trong ngày 27/4.
Thị trường dầu thế giới diễn biến trái chiều trong phiên 28/4.
Tuy nhiên, việc một số nước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 đã trấn an thị trường, mặc dù các thương nhân vẫn thận trọng trước tình trạng các kho lưu trữ dầu toàn cầu sắp hết công suất và nỗ lực cắt giảm nguồn cung của các nước sản xuất dầu chủ chốt chưa thể hạn chế tình trạng dư cung.
Italia và New Zealand đã tuyên bố sẽ sớm nới lỏng lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế, mặc dù chính phủ Anh cho rằng quá nguy hiểm để nới lỏng lệnh phong tỏa do lo ngại tái bùng phát dịch bệnh thứ hai. Một số bang của Mỹ cũng lên kế hoạch khởi động các hoạt động kinh tế.
Các nhà bán lẻ tại Đức hôm 28/4 đã hối thúc chính quyền Berlin cho phép các cửa hàng được mở cửa trở lại từ ngày 4/5.
“Nhu cầu dầu mỏ sẽ dần tăng trở lại trong tháng 5, song giá dầu chưa thể phục hồi mạnh trong ngắn hạn do nguồn dự trữ dầu đang quá dồi dào” - nhà phân tích Rorbert Rücker tại ngân hàng Thụy Sĩ Julius Baer cho biết.
Giá “vàng đen” đã trượt sâu trong những tuần gần đây khi nhu cầu dầu giảm sút do các lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Trong tuần trước, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao kỳ hạn giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử.
Mặc dù giá dầu WTI đã hồi phục trong những phiên cuối tuần, song vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Mối lo ngại chính đối với các thương nhân hiện tại là công suất lưu trữ dầu hạn chế, đặc biệt tại Mỹ, không thể giúp giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu.
Nhà phân tích hàng hóa Jac Staunovo của ngân hàng UBS nhận định: “Chúng tôi hy vọng nhu cầu dầu sẽ phục hồi một cách khiêm tốn từ mức thấp kỷ lục trong tháng 4 này khi nhiều nước nới lỏng lệnh phong tỏa, thị trường vẫn chịu áp lực nghiêm trọng trong thời gian tới do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19,
Giám đốc điều hành của BP, Bernard Looney nói với Reuters rằng nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm khoảng 15 triệu thùng/ngày trong quý II do các nước áp biện pháp hạn chế đi lại để tránh lây lan dịch Covid-19.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, trong đó có Nga, còn gọi là OPEC+, hôm 12/4 đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6/2020.
Tuy nhiên, lượng dầu cắt giảm của OPEC+ vẫn chưa đủ để bù đắp cho mức sụt giảm nhu cầu vào khoảng 30 triệu thùng/ngày bởi các quy định hạn chế đi lại và sản xuất nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Theo số liệu mới đây của hãng tư vấn Kpler, khả năng lưu trữ dầu mỏ của toàn cầu trên đất liền ước tính đã đầy 85% tính đến cuối tuần qua, trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu toàn cầu sụt giảm mạnh.
Một dấu hiệu cho thấy ngành năng lượng đang “đau đầu” trong việc tìm chỗ để lưu trữ xăng dầu khi các nhà đầu tư đang phải thuê các tàu lớn để lưu trữ khí đốt hoặc vận chuyển nhiên liệu ra nước ngoài.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm 28/4 cho biết nguồn cung - cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ cân bằng hơn sau khi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC+ có hiệu lực, song giá dầu chưa thể phục hồi trong ngắn hạn do lượng dầu dự trữ toàn cầu quá cao.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn