Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên 3/5
04.05.2021
Giới đầu tư vẫn tỏ ra cảnh giác trước tỷ lệ lây nhiễm dịch COVID-19 kỷ lục tại Ấn Độ, nước nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ ba thế giới, cùng với nguồn cung dầu mỏ của OPEC+ tăng cao.
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên 3/5. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên 3/5, giữa bối cảnh số liệu kinh tế Trung Quốc và tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ cho thấy nhu cầu nhiên liệu phục hồi mạnh mẽ tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 80 xu Mỹ, hay 1,2%, lên 67,56 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 91 xu Mỹ, hay 1,4%, và đóng phiên ở mức 64,49 USD/thùng.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra cảnh giác trước tỷ lệ lây nhiễm dịch COVID-19 kỷ lục tại Ấn Độ, nước nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ ba thế giới, cùng với nguồn cung dầu mỏ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tăng cao.
Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng phục hồi từ đại dịch COVID-19.
Báo cáo của BofA Global Research cho biết: “Ngay cả khi số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao kỷ lục trong tuần này, giá dầu mỏ có xu hướng tăng cao hơn do lượng người tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại các thị trường phát triển tăng cao”. Theo báo cáo, các dữ liệu gần đây cho thấy vaccine có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa số ca lây nhiễm và tử vong do dịch COVID-19.
Trong khi đó, một số quốc gia trên thế giới như Ấn Độ đang chứng kiến số ca lây nhiễm dịch COVID-19 tăng cao. Ngày 3/5, Ấn Độ thông báo có hơn 300.000 ca lây nhiễm dịch COVID-19 mới trong ngày thứ 12 liên tiếp kể từ khi đại dịch bùng phát lại tại nước này. Chuyên gia Louise Dickson thuộc Rystad Energy cho rằng dịch bệnh tại Ấn Độ khiến giá dầu mỏ không tăng cao hơn. Làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 mới khiến doanh số bán nhiên liệu tại Ấn Độ giảm trong tháng Tư.
Giá dầu Brent đã tăng gần 30% trong năm nay, phục hồi từ mức thấp kỷ lục của năm ngoái nhờ OPEC+ cắt giảm nguồn cung. Tuy nhiên, OPEC+ đã quyết định tuân theo kế hoạch tăng nhẹ nguồn cung từ ngày 1/5 và sản lượng của OPEC đã tăng trong tháng Tư./.
https://bnews.vn/