Giá dầu thế giới phục hồi từ mức thấp nhất trong gần hai tuần
14.11.2024
Trong phiên 13/11, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 39 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 72,28 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 31 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 68,43 USD/thùng.
Giá dầu thế giới phục hồi nhẹ trong phiên 13/11, nhờ hoạt động mua vào một ngày sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu, nhưng mức tăng bị hạn chế do đồng USD đạt gần mức cao nhất trong 7 tháng.
Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 39 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 72,28 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 31 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 68,43 USD/thùng.
Giá dầu chốt phiên 12/11 ở mức thấp nhất trong gần hai tuần sau khi OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025, do nhu cầu ở Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác yếu . Đây là lần điều chỉnh giảm thứ tư liên tiếp của OPEC về dự báo nhu cầu năm 2024.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu của cả Mỹ và toàn cầu đều có thể đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, tăng nhẹ so với dự báo trước đó. Sản lượng dầu của Mỹ hiện được dự báo đạt trung bình 13,23 triệu thùng/ngày trong năm nay và sản lượng toàn cầu dự kiến đạt 102,6 triệu thùng/ngày.
Về phía nguồn cung, thị trường vẫn có thể phải đối mặt với sự gián đoạn từ Iran hoặc xung đột leo thang giữa Iran và Israel.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cho biết nước này đã lên kế hoạch duy trì sản xuất và xuất khẩu dầu và sẵn sàng cho khả năng Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt lên ngành dầu khí.
Yếu tố hạn chế mức tăng giá dầu là việc đồng USD tăng lên gần mức cao nhất trong 7 tháng so với các đồng tiền mạnh khác sau khi số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ trong tháng 10/2024 như dự kiến, cho thấy khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục hạ lãi suất.
Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến dầu được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với những người mua bằng các đồng tiền khác, từ đó có thể làm giảm nhu cầu.