Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 29/9
30.09.2021
OPEC+ có khả năng sẽ vẫn tuân thủ thỏa thuận hiện có về việc tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày khi nhóm này họp vào tuần tới, bất chấp sức ép cần thêm nguồn cung từ người tiêu dùng.
Giá dầu thế giới giảm trong phiên 29/9, sau khi các kho dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến, ngay cả khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có kế hoạch duy trì cách tiếp cận thận trọng để bổ sung nguồn cung cho thị trường.
Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 29/9. Ảnh: IRNA/TTXVN
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 45 xu Mỹ xuống 78,64 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent biển Bắc đã chạm mức 80 USD/thùng ngày 28/9. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) chốt phiên 29/9 giảm 46 xu Mỹ (0,6%) xuống 74,83 USD/thùng.
Lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ đã tăng khoảng 4,6 triệu thùng trong tuần trước, vượt dự báo của thị trường trong bối cảnh các cơ sở ngoài khơi bị đóng cửa do ảnh hưởng của hai cơn bão “quét” qua khu vực Vịnh Mexico của Mỹ đã nối lại hoạt động sản xuất, giúp sản lượng phục hồi
Thị trường cũng chịu sức ép do đồng USD mạnh lên, chạm mức cao nhất của một năm so với giỏ tiền tệ chính. Do dầu có giá niêm yết và giao dịch bằng đồng USD, nên đồng tiền này mạnh lên khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn trên thế giới.
Giá dầu đang tăng cao hơn khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và nhu cầu nhiên liệu tăng lên, dù cho một số nước sản xuất đã chứng kiến sự gián đoạn nguồn cung.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, các kho dự trữ dầu, xăng và các sản phẩm chưng cất của nước này đã tăng trong tuần trước. Sản lượng dầu của Mỹ tăng lên 11,1 triệu thùng/ngày, gần bằng với mức sản xuất trước khi cơn bão Ida ập đến khoảng một tháng trước.
OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, có khả năng sẽ vẫn tuân thủ thỏa thuận hiện có về việc tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11/2021 khi nhóm này họp vào tuần tới, bất chấp sức ép cần thêm nguồn cung từ người tiêu dùng.
OPEC nhận định nhu cầu dầu dự báo sẽ tăng mạnh trong vài năm tới. Ngày 28/9, OPEC cảnh báo rằng thế giới cần tiếp tục đầu tư vào sản xuất để ngăn chặn sự gián đoạn nguồn cung ngay cả khi tổ chức này chuyển sang các dạng năng lượng ít gây ô nhiễm hơn.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho biết thị trường nhà ở suy yếu và tình trạng mất điện ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà giao dịch giữa lúc bất kỳ sự sụt giảm nào đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới và là nước tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn thứ hai sau Mỹ./.
https://bnews.vn/