Giá dầu suy giảm, chuyển dịch năng lượng và Covid–19 đặt ra cho Petrovietnam nhiều thách thức cùng cơ hội
09.11.2020
Ngày 6/11, Tiểu ban hoá – chế biến dầu khí thuộc Hội đồng khoa học công nghệ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) nhiệm kỳ 2020 - 2022 đã tổ chức Kỳ họp lần thứ I với chủ đề “Thách thức và cơ hội của công nghiệp chế biến dầu khí dưới tác động kép của giá dầu suy giảm, xu hướng dịch chuyển năng lượng và dịch Covid – 19”.
Xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ
Chủ trì Kỳ họp là Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng trường Đại học Dầu khí (PVU), Trưởng Tiểu ban Hoá – chế biến dầu khí; ông Phạm Văn Chất - Trưởng ban Công nghiệp khí và Lọc hoá dầu Petrovietnam, Phó Trưởng Tiểu ban Hoá – chế biến dầu khí; ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Phó Trưởng Tiểu ban Hoá – chế biến dầu khí.
Toàn cảnh Kỳ họp.
Tham dự Kỳ họp còn có Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Hoàng Xuân Hùng; các chuyên gia Hội Dầu khí Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị thành viên PV GAS, BSR, PVCFC, PVFCCo, VNPOLY, các ủy viên Tiểu ban Hoá – chế biến dầu khí; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình cho biết, trong bối cảnh ngành công nghiệp chế biến dầu khí trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu những ảnh hưởng nặng nề về xu hướng chuyển dịch năng lượng và dịch bệnh Covid-19, Petrovietnam đã nhanh chóng có những giải pháp thích ứng. Thạc sĩ Phạm Văn Chất cho rằng, Kỳ họp này như một “Hội nghị Diên Hồng” để thảo luận, đưa ra các giải pháp để tư vấn cho lãnh đạo Petrovietnam.
Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình phát biểu khai mạc Kỳ họp.
Tại Kỳ họp, các đại biểu, chuyên gia đã tham gia thảo luận về nhiều vấn đề như: “Thách thức và cơ hội của công nghiệp chế biến dầu khí trong tình trạng nhu cầu nhiên liệu hoá thạch giảm, giá dầu và khí thấp”; “Thách thức và giải pháp của BSR để NMLD Dung Quất hoạt động hiệu quả dưới ảnh hưởng của giá dầu suy giảm và xu hướng dịch chuyển năng lượng và dịch Covid-19”; “Giải pháp vượt khó khăn và đón đầu cơ hội mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVOIL”; “Xu thế chuyển dịch năng lượng và tác động đến hoạt động chế biến dầu khí của Petrovietnam”; “Xu hướng phát triển và khả năng ứng dụng các nguồn hydro sạch trong các NMLD, sản xuất phân đạm, hoá chất của Petrovietnam”…
Theo báo cáo của Ban Công nghiệp Khí và Lọc hoá dầu, khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã công bố mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng không (net-zero) vào năm 2050. Cũng vào thời điểm 2050, một số tập đoàn dầu khí lớn cam kết phát thải khí nhà kính bằng không. Báo cáo này cũng nhận định, đại dịch Covid-19 đã định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu; biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gián tiếp ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón… Đối với ngành công nghiệp chế biến dầu khí sẽ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lọc hoá dầu suy giảm, dư thừa công suất, biên lợi nhuận thấp; dự báo đến năm 2022 nhu cầu dầu thô mới quay trở lại mức tiêu thụ trước dịch Covid-19.
Ông Lê Hải Tuấn, Trưởng ban Nghiên cứu – Phát triển của BSR trình bày tham luận tại Kỳ họp
Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn là đơn vị chịu nhiều ảnh hưởng của xu hướng chuyển dịch năng lượng và dịch Covid-19. Ông Lê Hải Tuấn, Trưởng ban Nghiên cứu – Phát triển của BSR cho biết, BSR đã chủ động triển khai các giải pháp về sản phẩm, công tác vận hành, chi phí đầu tư, tài chính và dòng tiền... Những giải pháp này được triển khai một cách đồng bộ đã đem lại nhiều kết quả giúp BSR giảm thiểu ảnh hưởng do bối cảnh.
Cách mạng công nghiệp 4.0 cần được áp dụng nhiều hơn vào thực tế
Đối với lĩnh vực bán lẻ, phân phối sản phẩm hoá – chế biến dầu khí, từ kinh nghiệm của PVOIL, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT cho rằng cần nhanh chóng áp dụng công nghệ để tiếp cận “nguồn tài nguyên lớn nhất của ngành dịch vụ bán lẻ là khách hàng”. Đối với PVOIL, ông Cao Hoài Dương cho biết, Tổng công ty đã kiểm soát chặt chẽ chi phí, đảm bảo nguồn hàng, sửa đổi, bổ sung chính sách bán hàng… Quan trọng hơn, PVOIL đã triển khai các giải pháp mang tính cải tiến như thành lập đội xe bán hàng di động PVOIL Mobile để bán hàng trực tiếp ở vùng sâu, vùng xa, bán hàng trực tiếp tại công trường, khu công nghiệp…; triển khai đồng bộ việc bán hàng không dùng tiền mặt để nâng cao sản lượng bán hàng trong thời đại số. “PVOIL tự hào là doanh nghiệp đầu tiên áp dụng công nghệ 4.0, QR code vào toàn hệ thống hơn 600 cửa hàng xăng dầu tại Việt Nam”, ông Dương nói.
Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOIL phát biểu về việc áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tế tại đơn vị.
Với xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới, Viện Dầu khí Việt Nam đã có những phân tích về sự ảnh hưởng đối với lĩnh vực chế biến dầu khí của Petrovietnam. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương, chuyên gia lĩnh vực lọc – hoá dầu của Viện cho rằng, xu hướng chuyển dịch năng lượng dần từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo. Vì vậy, trong lĩnh vực chế biến dầu khí, sẽ có rất nhiều thách thức và cơ hội đối với Petrovietnam. Trong đó cần tối ưu hoá năng lượng, tích hợp lọc – hoá dầu và hydro từ năng lượng tái tạo, tăng cường áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0.
Các đại biểu tham gia Kỳ họp
Các chuyên gia tham dự hội nghị cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp. TSKH Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cho rằng, theo xu thế chuyển đổi năng lượng hiện nay của thế giới, Petrovietnam cần giảm tỷ lệ lọc dầu, phải tăng tỷ lệ hoá dầu, đồng thời đa dạng hoá sản phẩm… “Việc này cần có sự phối hợp đồng bộ từ các đơn vị thành viên với các ban chuyên môn của Tập đoàn, cho ra được một báo cáo cụ thể để tư vấn cho lãnh đạo Petrovietnam vạch ra chiến lược phát triển lĩnh vực hoá – chế biến dầu khí trong thời gian tới”, TSKH Hồ Sĩ Thoảng nhấn mạnh.
TSKH Hồ Sĩ Thoảng phát biểu tại Kỳ họp.
Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, TS. Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng KHCN Tập đoàn nhấn mạnh, dịch chuyển năng lượng là chủ đề mà Tập đoàn đặc biệt quan tâm trong tình hình hiện nay. Các ý kiến góp ý của Tiểu ban nhằm tư vấn kịp thời cho Hội đồng KHCN cũng như Lãnh đạo Tập đoàn trong việc lựa chọn hướng đi và lộ trình phù hợp. Do vậy trong những kỳ họp tiếp theo Tiểu ban cần so sánh, đánh giá các hướng đi (Metanol, Hydrogen, Pin) hay tối ưu hoá lọc dầu chuyển sang sản xuất hoá dầu thay vì sản xuất nhiên liệu ở tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là phù hợp. Đồng thời trong quá trình triển khai các chương trình nghiên cứu dài dạn của Tập đoàn trong lĩnh vực Hoá CBDK, Tiểu ban sẽ tham gia đặt đầu bài, sản phẩm kỳ vọng của chương trình và tham gia đánh giá các kết quả nghiên cứu để lựa chọn hướng tiếp cận, sản phẩm khả thi để áp dụng vào thực tế. Phó Chủ tịch Hội đồng KHCN Tập đoàn cũng đề nghị sự liên kết giữa các thành viên Hội đồng KHCN của Tập đoàn, của Tiểu ban với Hội đồng KHCN của các đơn vị để tập trung trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học, chuyên gia nhằm nâng tầm tư vấn cho Tập đoàn và đóng góp các hướng đi, giải pháp về KHCN thiết thực, kịp thời cho Tập đoàn cũng như các đơn vị."
Kết luận kỳ họp, Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình, Trưởng Tiểu ban hoá – chế biến dầu khí ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, đóng góp, tham luận của các đại biểu. “Căn cứ vào những ý kiến này, chúng tôi sẽ tổng hợp và có những báo cáo, tư vấn lên lãnh đạo Tập đoàn để phát triển lĩnh vực hoá – chế biến dầu khí”, Tiến sĩ Bình nhấn mạnh.
Tại Kỳ họp, Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình, Trưởng Tiểu ban hoá – chế biến dầu khí đã thông tin về phương hướng, kế hoạch hoạt động nhiệm kỳ 2020-2022. Tiểu ban hoá – chế biến dầu khí nhiệm kỳ 2020 – 2022 được thành lập theo Quyết định số 849/QĐ-DKVN ngày 1/7/2020 gồm 45 thành viên (01 Trưởng ban, 02 Phó trưởng ban, 02 thư ký và 40 uỷ viên). Đến thời điểm hiện tại của nhiệm kỳ, Tiểu ban đã ổn định tổ chức; phổ biến các văn bản, quy chế, quy định liên quan đến công tác hoạt động của Tiểu ban đến từng thành viên; xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết và chuẩn bị tiến hành kỳ họp lần I. Trong nhiệm kỳ, Tiểu ban sẽ nghiên cứu, thảo luận và đề xuất ý kiến tư vấn cho Hội đồng Khoa học, công nghệ Tập đoàn về các vấn đề chuyển dịch năng lượng; chế biến, phát triển công nghiệp lọc hoá dầu từ khí; áp dụng công nghệ 4.0 và kế hoạch nghiên cứu khoa học dài hạn trong lĩnh vực chế biến dầu khí; xây dựng và phát triển công nghệ mang tính đột phá tạo thế mạnh cho Petrovietnam.
Thanh Hiếu
https://petrovietnam.petrotimes.vn/