Giá dầu khó lường hơn
19.07.2024
Những bất ổn địa chính trị ở một số khu vực cung cấp dầu trọng yếu cùng nhiều yếu tố khác khiến giá dầu thế giới trở nên khó dự báo hơn trong nửa cuối năm 2024.
Giá dầu đang có các yếu tố hỗ trợ
Sau khi chạm đáy ngắn hạn vào đầu tháng 6/2024 tại mức 77 USD/thùng, giá dầu Brent đã hồi phục lên trên 85 USD/thùng vào ngày 11/7, tăng hơn 10% trong 1 tháng.
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam, nhịp tăng của giá dầu được thúc đẩy bởi nguy cơ nguồn cung sụt giảm. Cụ thể, nhà sản xuất dầu lớn của Nga là Rosneft có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu khoảng 220.000 thùng/ngày trong tháng 7 so với mức trung bình tháng 6. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các công ty dầu khí bổ sung 8 triệu tấn dầu thô vào kho dự trữ khẩn cấp để tăng cường an ninh năng lượng.
Thêm vào đó, tình trạng căng thẳng tại khu vực Trung Đông (vốn giàu trữ lượng dầu mỏ) tăng cao khi nhóm vũ trang Hezbollah phát động một cuộc tấn công hướng vào Israel. Việc này có thể kéo theo sự liên quan sâu hơn của Iran vào tình hình khu vực khi quốc gia hậu thuẫn lực lượng Hezbollah này đang là thành viên khai thác dầu thô lớn thứ 3 của OPEC, qua đó ảnh hưởng đến nguồn cung.
Liên quan đến nguồn cung, sức ảnh hưởng của OPEC+ đến giá dầu hiện nay suy giảm đáng kể, khi bất đồng về việc cắt giảm sản lượng giữa các nước cung cấp dầu lớn như Nga, Iraq, Kazakhstan và các nước nhỏ gia tăng, gây khó khăn trong việc kiểm soát sản lượng dầu. Giá dầu có thể sẽ giảm mạnh nếu các nước sản xuất quyết định tăng sản lượng để giành thị phần và các công ty dầu mỏ thận trọng hơn trong việc đầu tư vào các dự án mới do lo ngại về lợi nhuận không ổn định.
Đáng lưu ý, nhiều hãng buôn năng lượng đang đua nhau thâu tóm các nhà máy lọc dầu sẽ tạo ra những tác động không nhỏ đến giá dầu.
Theo Bloomberg, Vitol Group - nhà buôn dầu thô lớn nhất thế giới có trụ sở tại Thụy Sĩ đã đấu thầu mua tài sản của Công ty Lọc dầu Citgo Petroleum ở Mỹ, với tham vọng tăng công suất lọc dầu lên hơn 800.000 thùng/ngày.
Một liên danh bao gồm Trafigura Group, công ty kinh doanh hàng hóa có trụ sở ở Singapore đang đàm phán để mua lại Nhà máy Lọc dầu Esso Fos-sur-Mer ở Pháp.
Trước đó, Glencore - công ty kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới cùng với nhà sản xuất hóa chất Chandra Asri (Indonesia) tiến hành mua lại Nhà máy Lọc dầu Bukom của Shell ở Singapore.
Khi các hãng buôn năng lượng sở hữu nhiều nhà máy lọc dầu, họ có thể kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng từ khai thác dầu thô đến sản phẩm tinh chế. Điều này có thể giúp họ chủ động điều chỉnh sản lượng và tăng cường “quyền lực” định giá để tối đa hóa lợi nhuận.
Dự báo giá dầu nửa cuối năm 2024
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa hạ dự báo giá dầu trung bình trong năm 2024 từ mức 88 USD/thùng xuống 84 USD/thùng.
Tương tự, Mark Luschini, đại diện Công ty tư vấn tài chính Janney Montgomery Scott trước đó tin tưởng giá dầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024, nhưng với nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không cắt giảm lãi suất sớm như dự đoán, ông này đã điều chỉnh dự báo giá dầu xuống 80 - 85 USD/thùng.
Theo Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), trong 6 tháng cuối năm 2024, giá dầu sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố kinh tế, chính trị và sản xuất. Những yếu tố chính trị thúc đẩy đà tăng giá dầu gồm bầu cử Tổng thống Mỹ, chiến tranh Nga - Ukraine, xung đột tại Trung Đông, kế hoạch mua dự trữ dầu của các quốc gia lớn. Ngược lại, các yếu tố có thể gây áp lực giảm giá dầu bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu, sản lượng dầu tăng từ Mỹ, Canada và Iran, kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ và cấu trúc bù hoãn bán (backwardation) của thị trường dầu tương lai.
Dựa trên các yếu tố địa chính trị, bằng các số liệu thống kê, thông qua các mô hình học máy, VPI dự báo, giá dầu trung bình nửa cuối năm 2024 là 82 - 88 USD/thùng.
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/