Giá dầu châu Á giảm gần 4% trong phiên 2/11

03.11.2020

00:00/00:00

Giá dầu châu Á giảm 4% trong phiên ngày 2/11 do lo ngại các biện pháp phong tỏa ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng ở châu Âu sẽ làm suy yếu nhu cầu năng lượng và tình hình thiếu ổn định trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11.


Giá dầu châu Á giảm gần 4% trong phiên 2/11. Ảnh: TTXVN phát

Vào lúc 14 giờ 45 phút ngày 2/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2021 giảm 1,49 USD (3,9%) xuống 36,45 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,58% (4,4%) xuống 34,21 USD/thùng.

Dầu Brent đã giảm tới 5,8% và giá dầu WTI giảm 6% lúc đầu phiên giao dịch này, chạm các mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Các nước châu Âu đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa để kìm hãm tốc độ lây lan dịch COVID-19 mà đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua.

Các công ty kinh doanh dầu quốc tế dự kiến nhu cầu tiếp tục giảm dù cho các ước tính có sự khác biệt. Vitol nhận thấy nhu cầu dầu dành cho mùa Đông sẽ ở mức 96 triệu thùng/ngày, trong khi Trafigura ước tính nhu cầu “vàng đen” sẽ giảm xuống 92 triệu thùng/ngày hoặc thấp hơn nữa.

Bên cạnh đó, những lo ngại về nhu cầu suy yếu và nguồn cung gia tăng trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Mỹ đã khiến giá dầu giảm trong tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10/2020, trong đó giá dầu WTI giảm 11% còn dầu Brent giảm 8,5%.

Tuy nhiên, đà giảm của dầu đã bị hạn chế phần nào sau khi lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản tăng lần đầu tiên trong hai năm qua và hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã tăng lên mức cao trong gần một thập niên trong tháng 10/2020. Nhiều khảo sát về hoạt động chế tạo của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 2/11.

Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy nguồn cung của các nước thành viên OPEC là Libya và Iraq đang tăng, qua đó “lấn át” nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước thành viên OPEC khác, và khiến tổng sản lượng của tổ chức này tăng trong tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 10/2020.

OPEC và các nước đồng minh dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp chính sách trong hai ngày 30/11 và 1/12, và một số nhà phân tích dự báo tổ chức này sẽ hoãn kế hoạch tăng sản lượng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021.

Ngân hàng Goldman Sachs cho hay nhu cầu dầu đang vượt nguồn cung khoảng 2,5 triệu thùng và mức chênh lệch này có thể duy trì trong mùa Đông năm nay do nhu cầu dầu sưởi và các thị trường mới nổi dự kiến sẽ tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, bù đắp cho những tác động của các biện pháp phong tỏa ở châu Âu. Việc hoãn tăng sản lượng sẽ khiến mức chênh lệch cung cầu lớn trên thị trường dầu diễn ra trong năm 2021.

Trong khi đó, theo số liệu mới công bố của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes có trụ sở tại Houston (Mỹ), tổng số giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 10/2020, tháng tăng thứ ba liên tiếp.

Ngoài ra, diễn biến khó đoán của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 3/11 đã khiến giới đầu tư trên toàn cầu thận trọng hơn.

https://bnews.vn/

Đầu trang