Giá dầu Brent vượt mốc 80 USD/thùng do lo ngại xung đột Trung Đông lan rộng
08.10.2024
Giá dầu thế giới tăng hơn 3% vào phiên giao dịch 7/10, trong đó giá dầu Brent vượt mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 8/2024.
Một giếng dầu ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Giá dầu thế giới tăng hơn 3% vào phiên giao dịch 7/10, trong đó giá dầu Brent vượt mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 8/2024. Nguyên nhân thúc đẩy đà tăng mạnh của giá dầu là do nhà đầu tư lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng toàn khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ và giảm bớt vị thế bán khống kỷ lục mà họ đã tích lũy trong tháng trước
Cụ thể, kết thúc phiên này, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 2,88 USD, tương đương 3,7%, lên mức 80,93 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,76 USD, tương đương 3,7%, chốt ở mức 77,14 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu Brent cũng tăng hơn 8%, trong khi WTI tăng hơn 9%, ghi dấu tuần tăng mạnh nhất của giá dầu trong hơn một năm qua, sau khi Iran tấn công tên lửa vào Israel vào ngày 1/10, làm dấy lên lo ngại Israel sẽ đáp trả bằng cách tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran. Theo nhận định của ông Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates, nếu kịch bản này xảy ra, giá dầu có thể tăng từ 3 đến 5 USD/thùng.
Vào sáng ngày 7/10, các tên lửa do lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn đã bắn vào thành phố Haifa - thành phố lớn thứ ba của Israel. Trong khi đó, Israel có khả năng mở rộng các cuộc tấn công vào miền Nam Liban, khiến xung đột có khả năng lan rộng khắp Trung Đông.
Các nhà phân tích của các công ty tài chính Tudor, Pickering, Holt & Co cho biết: "Xung đột tiếp tục leo thang không chỉ đe dọa hoạt động khai thác 3,4 triệu thùng dầu mỗi ngày của Iran mà còn tạo ra sự gián đoạn đối với nguồn cung dầu trong khu vực".
Theo ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích của ngân hàng UBS, đà tăng của giá dầu phiên đầu tuần này còn được thúc đẩy bởi việc các nhà quản lý tài chính đóng các lệnh bán khống, do lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.
Trước đó, các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tiền tệ đã tích lũy vị thế bán khống kỷ lục đối với hợp đồng dầu tương lai vào giữa tháng Chín, do triển vọng nhu cầu suy giảm, đặc biệt là từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York, cho biết: "Thị trường đang chứng kiến nhiều hoạt động mua lại các lệnh bán khống bắt đầu từ tuần trước và vẫn tiếp tục đến hiện tại". Tuy nhiên, ông Kilduff cảnh báo rằng đợt tăng giá này, được thúc đẩy bởi nỗi lo sợ, có thể đảo chiều mạnh nếu Israel quyết định không tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran. Điều này có thể khiến giá dầu giảm từ 5 đến 7 USD/thùng, nhất là khi triển vọng nhu cầu vẫn yếu, và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có đủ năng lực dự trữ để bù đắp bất kỳ sự gián đoạn nào đối với việc xuất khẩu dầu của Iran.
OPEC và các đối tác, bao gồm Nga, được gọi chung là OPEC+, dự kiến sẽ bắt đầu tăng sản lượng từ tháng 12 tới, sau khi thực hiện cắt giảm sản lượng trong những năm gần đây để hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, giá dầu Brent sẽ cần đạt gần 90 USD/thùng hoặc cao hơn để OPEC+ quyết định tăng nguồn cung.
https://bnews.vn/