Dự báo giá dầu tuần tới sẽ dưới 40 USD/thùng

03.11.2020

00:00/00:00

Giá Brent (tháng 1/21) trong tuần giao dịch cuối tháng 10 từ 26 - 30/10 biến động trong biên độ 37,47 - 41,8 USD/thùng, đóng cửa tuần giao dịch ở mức 37,89 USD/thùng (giảm hơn 9%/tuần).


Brent có 2 tuần giao dịch cuối rớt giá mạnh, mất mốc 38 USD/thùng (-13%) - xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5. Mở cửa tuần giao dịch, Brent biến động trong biên độ hẹp 40,7 - 41,7 USD/thùng nhờ thông tin hỗ trợ duy nhất: 85% cơ sở sản xuất vịnh Mexico phải đóng cửa tránh bão Zeta, giảm tương đương 1,4 triệu bpd. Từ ngày 27/10, Brent bắt đầu chuỗi rớt giá mạnh liên tiếp bởi hàng loạt tin xấu:

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội tại Mỹ, châu Âu;

Nguồn cung dầu thô Libya đã vượt mức 800.000 bpd, dự báo tăng lên 1 triệu bpd trong vòng vài tuần tới, NOC Libya tuyên bố nối lại hoạt động tại tất cả các mỏ dầu và terminal xuất khẩu tại nước này dấy lên lo ngại dư thừa nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu suy yếu, tình hình bất định liên quan đến sản lượng OPEC+ từ năm 2021;

Trữ lượng dầu thương mại Mỹ tăng mạnh 4,3 triệu thùng, gấp 3 lần dự báo cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường yếu, tồn kho xăng tăng 0,9 triệu thùng.

Hai ngày giao dịch cuối tuần Brent có phiên giảm trên 6% xuống mức thấp nhất 37,47 USD/thùng và sau đó dao động trong biên độ hẹp, không phục hồi quá mốc 38,5 USD/thùng bất chấp kinh tế Mỹ quý 3 tăng trưởng 7,4% so với quý trước, tương đương 33,1% tính theo năm; thị trường lao động vẫn giữ được xu hướng tiếp tục giảm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới; kinh tế Đức cũng tăng trưởng 8,2% trong quý 3, vượt mức dự báo 7,3%. Tuy nhiên, thị trường lo ngại ảnh hưởng lâu dài đến nhu cầu nhiên liệu của Covid-19.

Số ca nhiễm mới toàn cầu tăng gần 585.000 ca/ngày (Mỹ trên 101 nghìn ca/ngày, Pháp 50 nghìn ca/ngày, Ấn Độ 48 nghìn ca/ngày, LB Nga 19 nghìn ca/ngày), tổng số ca nhiễm gần 47 triệu (Mỹ vượt 9,5 triệu, Pháp 1,4 triệu, Anh vượt 1 triệu, Nga 1,65 triệu). Tình hình đặc biệt phức tạp tại châu Âu, sau khi Đức và Pháp tuyên bố tái áp dụng đóng cửa (lockdown) một phần kinh tế quy mô toàn quốc (trừ trường học, cửa hàng thực phẩm) đến cuối tháng 11; Anh, Bồ Đào Nha và Áo cũng đã tuyên bố biện pháp tương tự đến đầu tháng 12; các nước châu Âu khác thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế hoạt động vui chơi giải trí, du lịch, đi lại nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh - tránh cho hệ thống y tế sụp đổ vì quá tải. Chỉ riêng lockdown tại Pháp và Đức trong vòng 1 tháng ước tính sẽ cắt giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu từ 39 - 51 triệu thùng (1,3 - 1,7 triệu bpd).

EIA dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại khu vực châu Âu sẽ tiếp tục tăng lên 14 triệu bpd trong quý 4 từ mức 13,8 triệu bpd quý 3 và 11,6 triệu bpd quý 2. Trước khủng hoảng, cả châu Âu tiêu thụ khoảng 14,9 triệu bpd, bao gồm Pháp 1,5 triệu bpd, Đức 2,3 triệu bpd. Trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu thế giới chắc chắn sẽ giảm, dẫn đến thu hẹp biên độ lợi nhuận tinh chế và cắt giảm nhu cầu dầu thô. Ngoài ra, nếu tình hình dịch bệnh tại Mỹ không được cải thiện, có khả năng sau bầu cử ngày 3/11, chính quyền cũng phải tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh tương tự châu Âu.

Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này, giá Brent sẽ dao động trong biên độ 34 - 39 USD/thùng.

Nguồn tin: PetroTimes

Đầu trang