Điều chỉnh danh mục cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2019-2020

30.05.2019

00:00/00:00

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ và địa phương để hoàn thiện trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh, sửa đổi danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020.

2017-2018, mới hoàn thành 31,5% kế hoạch cổ phần hóa

Số liệu cập nhật từ 140 DN phải hoàn thành cổ phần hoá giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp từ 17 báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty về kết quả thực hiện cổ phần hóa cho thấy, tính đến tháng 2/2019, cả nước có 33 DN thuộc kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa năm 2017; 01 DN chuyển sang hình thức bán DN; 03 DN thuộc kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa năm 2018. Như vậy, số DN hoàn thành cổ phần hóa giai đoạn 2017-2018 là 37 DN, đạt 31,5% so với kế hoạch, còn số chưa hoàn thành là 76 DN.

Nguyên nhân chậm hoàn thành cổ phần hoá được các bộ và địa phương lý giải là do gặp vướng mắc trong thực hiện các quy định về cổ phần hoá DN 100% vốn nhà nước, đặc biệt việc yêu cầu phải có phê duyệt phương án sử dụng đất do địa phương phê duyệt rất mất thời gian mới ban hành được quyết định cổ phần hoá.

Ngoài ra, việc xác định giá trị DN còn nhiều nội dung chưa rõ để có căn cứ thực hiện. Do vậy, hầu hết các bộ, địa phương đều đề xuất được tiếp tục thực hiện cổ phần hoá để đảm bảo hoàn thành trong giai đoạn 2019-2020, mà không tách thành từng năm như quy định.

98 doanh nghiệp cần cổ phần hóa giai đoạn 2019-2020

Hiện nay, phương án mới nhất được các bộ, ngành, địa phương đề xuất là điều chỉnh lộ trình cổ phần hóa sang giai đoạn 2019-2020 đối với 73/76 DN chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Bên cạnh đó, thực hiện điều chỉnh phương án sắp xếp đối với 03 DN.

Đồng thời, trong tổng số 27 DN thực hiện cổ phần hóa thuộc giai đoạn 2019-2020, các bộ, địa phương đề xuất điều chỉnh phương án sắp xếp đối với 02 DN. Như vậy, tổng số DN cần thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2019-2020 là 98 DN.

Đối với tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại DN sau cổ phần hóa, trong số DN chưa hoàn thành cổ phần hoá giai đoạn 2016-2020, các bộ, địa phương kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa đối với 47 DN, trong đó 45 DN (chiếm 96%) thuộc 2 thành phố lớn là Hà Nội (11 DN) và TP.HCM (34 DN).

Bên cạnh đó, có 06 DN được đề xuất không thực hiện cổ phần hóa để chuyển sang hình thức sắp xếp khác như bán, tái cơ cấu lại, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do không thể xác định được giá trị DN, không đáp ứng điều kiện để tiếp tục cổ phần hóa.

Ngoài ra, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 02 DN do mình quản lý là Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC (thuộc Bộ Công thương) và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện cổ phần hóa.

Trước các đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt danh sách DN hoàn thành cổ phần hoá giai đoạn 2019-2020 (99 DN do tỉnh Tiền Giang đề xuất bổ sung thêm 1 DN) để có căn cứ và cơ sở tiếp tục thực hiện quá trình cổ phần hoá.

Liên quan tới kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các DN sau cổ phần hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong số 76 DN chưa hoàn thành cổ phần hóa giai đoạn 2017-2018, phần lớn thuộc lĩnh vực công ích, an sinh xã hội và có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để đảm bảo các bộ, địa phương có thể hoàn thành cổ phần hoá theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, trước mắt, có thể xem xét, chấp thuận đề xuất để Nhà nước nắm giữ chi phối (trên 50% đến dưới 65% vốn) tại DN khi thực hiện chào bán cổ phần lần đầu (IPO), nhưng không chấp thuận đối với đề xuất thay đổi tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại DN trên 65% vốn.

Sau khi hoàn thành cổ phần hóa, các bộ, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty cần tiếp tục và khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn theo đúng quy định. Đối với đề xuất của UBND TP.HCM về việc dừng cổ phần hóa Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM tiếp tục thực hiện cổ phần hóa DN này theo kế hoạch, trong đó Nhà nước nắm cổ phần chi phối (trên 50% vốn).

Theo báo cáo tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội, tính đến năm 2018, nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN chưa thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt. Đặc biệt, các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Thành phố hầu hết hết đều đang tạm dừng công tác cổ phần hóa, thoái vốn. SCIC cũng mới thực hiện bán vốn được 41/114 DN, không đạt kế hoạch đề ra. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN chưa thực hiện thoái vốn đầu tư theo kế hoạch, nhiều đơn vị công ty con thuộc các DNNN chưa hoàn thành việc thoái vốn, bao gồm: VNPost (2/7 đơn vị), Công ty mẹ - Resco (11 đơn vị), Công ty mẹ - Satra (21 đơn vị), EVN Finance... Tương tự, hàng loạt các DN thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) cũng nằm trong danh mục chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn như PV Power còn 10/16 đơn vị, PV Oil là 09 đơn vị ngoài ngành nghề kinh doanh chính và 3/5 đơn vị trong ngành. Bên cạnh đó, nhiều DN chậm hoặc chưa hoàn thành việc thoái vốn ra khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán theo quy định.
Hiếu Minh
Nguồn: https://tinnhanhchungkhoan.vn

 

Đầu trang